Sự kiện

Nghệ An: Thu hút đầu tư FDI tiếp tục là điểm sáng nổi bật

Thu hút đầu tư FDI tiếp tục là điểm sáng nổi bật, tổng số vốn đăng ký đến ngày 20/11 đạt hơn 1,298 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn.

Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế trong cuộc họp UBND tỉnh Nghệ An thường kỳ tháng 11/2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,3%. Trong đó, nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,45%; công nghiệp – xây dựng ước tăng 7,68%; dịch vụ ước tăng 8,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,0%.

 Kết quả thu hút đầu tư FDI năm 2023 tiếp tục là điểm sáng nổi bật. Tính đến ngày 15/11, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 104 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 39.634,2 tỷ đồng. Điều chỉnh 151 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 42 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 6.455,6 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 46.089,8 tỷ đồng, gấp 1,38 lần mục tiêu đề ra. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Nghệ An tiếp tục lọt tốp 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh hơn 1.298 tỷ  USD.  

Quang cảnh cuộc họp. ảnh Phạm Bằng. 

Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 17.771 tỷ đồng, bằng 112,07% dự toán, bằng 79,02% thực hiện năm 2022; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 16.600 tỷ đồng, đạt 113,8% dự toán, bằng 78,45% so với thực hiện năm 2022. Chi ngân sách năm 2023 ước thực hiện 35.661 tỷ đồng, bằng 107,5% dự toán.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 3,87% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,88 tỷ USD, tăng 13,51% so với năm 2022. Tổng lượt khách du lịch ước đạt 8,36 triệu lượt, tăng 24,22% so với cùng kỳ, trong đó khách lưu trú ước đạt 5,28 triệu lượt, tăng 19,67%; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 39,24% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 20/11/2023, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giải ngân 6.004,592 tỷ đồng, đạt 66,47%; Dự kiến hết năm 2023, tổng vốn đầu tư công ước giải ngân đạt 95,11% kế hoạch,…

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế cần được tục tập trung khắc phục như: Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP chưa đạt được mục tiêu đặt ra, tạo áp lực lớn cho việc hoàn thành các mực tiêu của cả giai đoạn 2021-2025, hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công một số chương trình, dự án còn chậm, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều bất cập, công tác hành chính mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Trước những khó khăn như vậy, tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, sinh thái. Ưu tiên phát triển một số ngành một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao. Tích cực, chủ động khai thác, mở rộng thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thu hút đầu tư FDI đạt hơn 1,298 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn. Ảnh BNA. 

Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao, đối tác công tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng trọng điểm; tập trung triển khai 2 dự án hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh (Cảng biển nước sâu và Cảng hàng không quốc tế Vinh). Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong công tác giải ngân vốn đầu tư công và triển khai hiệu quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo tiến độ, bảo đảm có chất lượng và hiệu quả. Thực hiện tốt nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2024.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Tăng cường hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ về hồ sơ thủ tục, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp. Tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.

Tiếp tục rà soát, xử lý dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh,…

Minh Tâm - Hà Hằng