Sự kiện

Nghệ An thêm 7586 ca mắc Covid-19, 1880 ca cộng đồng

Tỉnh Nghệ An vừa ghi nhận thêm 7586 ca nhiễm, trong đó có 1880 ca cộng đồng. Tỉnh sát sao trong việc điều trị F0 tại nhà.

Tối 5/3, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, trong 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận 7586 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1880 ca cộng đồng, 5 ca tử vong.

Từ 18h00 ngày 04/3/2022 đến 6h00 ngày 5/3/2022, tỉnh ghi nhận 2.172 ca mắc Covid-19. Trong đó, có 519 ca cộng đồng; 1.653 ca đã được cách ly từ trước (1.621 ca là F1, 24 ca trong khu cách ly, 08 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).

Các địa phương có số bệnh nhân cao nhất: Tp.Vinh, Diễn Châu, Thanh Chương, Nghĩa Đàn... Số ca tử vong 1 ca bệnh nhân. Đây là bệnh nhân trên 70 tuổi và có bệnh nền.

Từ 6h00 đến 18h00 ngày 05/03/2022), Nghệ An ghi nhận 5.414 ca mắc Covid-19. Trong đó có 1.361 ca cộng đồng; 4.053 ca đã được cách ly từ trước (4.051 ca là F1, 1 ca trong khu cách ly, 01 ca từ ngoại tỉnh có dịch về). Số ca tử vong 4 bệnh nhân. Tất cả 4 bệnh nhân đều là người trên 60 tuổi và có bệnh nền.

Số địa phương có số bệnh nhân cao nhất: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Tp.Vinh.

Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 106.980 ca mắc Covid-19. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 74.130 bệnh nhân. Lũy kế số bệnh nhân tử vong 125 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 32.725 bệnh nhân.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. 

Mới đây, ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã đi kiểm tra công tác điều trị F0 tại nhà huyện Nam Đàn. Sau khi đi kiểm tra, ông Dương Đình Chỉnh đã ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà.

Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng của ngành y tế, qua kiểm tra ở một số địa phương đang bộc lộ những hạn chế, khó khăn nhất định. Số ca nhiễm chưa giảm, đã gây ra "quá tải" trong điều trị F0 tại nhà cho các đơn vị.

Để tiếp tục triển khai tốt công tác điều trị F0 tại nhà, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các đơn vị cần thực hiện tốt công tác quản lý bệnh nhân. Trong đó, phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ Trạm Y tế lưu động, 1 người phụ trách từ 30 - 50 bệnh nhân. Mỗi ngày phải tương tác, liên hệ với bệnh nhân ít nhất 02 lần.

Trong quá trình tương tác, cần nắm bắt, phân loại bệnh nhân để chủ động theo dõi, xử lý khi có tình huống. Hàng ngày, lãnh đạo Trạm Y tế lưu động phải nắm rõ thông tin các trưởng nhóm, thường xuyên giao ban, hội ý để xử lý những vấn đề phát sinh kịp thời.

Ngoài ra, tiếp tục sử dụng có hiệu quả các trang mạng xã hộ như zalo, facebook...để tương tác, nắm bắt, chia sẻ thông tin giữa bệnh nhân và cán bộ y tế. Nếu bệnh nhân có triệu chứng bất thường cần đến thăm khám, cấp thuốc theo quy định. Đối với túi thuốc cơ bản cho bệnh nhân, huyện cấp, thuốc kháng virus Sở Y tế sẽ cấp đủ khi có yêu cầu.

Giám đốc Sở Y tế đề nghị chính quyền cần hỗ trị kinh phí để mua các dụng cụ y tế: máy đo nồng độ oxy Sp02, huyết áp, nhiệt độ..để phục vụ tốt công tác điều trị F0. Đồng thời, ngoài đội ngũ y tế là nòng cốt, các địa phương cần huy động cộng đồng cùng hỗ trợ, tham gia trong công tác điều trị F0 tại nhà.