Sự kiện

Nghệ An thêm 3985 F0, giảm tối đa các trường hợp tử vong vì Covid-19

Trong 24 giờ qua Nghệ An thêm 3985 F0. Giảm thiểu tối đa các trường hợp tử vong đang là ưu tiên hàng đầu trong công tác chống dịch.

Tối 25/2, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, trong 24 giờ qua tỉnh ghi nhận 3985 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 880 ca cộng đồng.

Từ 18h00 ngày 24/2 đến 6h00 ngày 25/2, Nghệ An ghi nhận 1.570 ca dương tính mới với Covid-19 tại 9 địa phương. Trong đó, có 352 ca cộng đồng; 1.218 ca đã được cách ly từ trước (1.192 ca là F1, 19 ca trong khu cách ly, 7 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).

Số địa phương có số bệnh nhân cao nhất: Hoàng Mai, Tp.Vinh, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên...

Từ 6h00 đến 18h00 ngày 25/02/2022, Nghệ An ghi nhận 2.415 ca dương tính mới với Covid-19 tại 20 địa phương. Trong đó có 528 ca cộng đồng; 1.887 ca đã được cách ly từ trước (1.883 ca là F1, 02 ca trong khu cách ly, 02 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).

Số địa phương có số bệnh nhân cao nhất: Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Tp.Vinh.

Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 63.937 ca mắc Covid-19.Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 38.211 bệnh nhân. Lũy kế số bệnh nhân tử vong 90 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 25.636 bệnh nhân.

Lực lượng ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. 

Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ, số ca bệnh trong ngày liên tục ghi nhận kỷ lục thì việc phân tầng điều trị, giảm thiểu tối đa các trường hợp tử vong đang là ưu tiên hàng đầu trong công tác chống dịch.

UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản về việc triển khai công điện của Bộ Y tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long yêu cầu Sở Y tế; các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai quyết liệt, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công điện số 235/CĐ-BYT ngày 21/02/2022.

Theo đó, nội dung công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng, chống dịch COVID-19. UBND các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị,...), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.

Điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến. Cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ..., đặc biệt là ô xy y tế tại các cơ sở điều trị. Tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà; công tác kết nối, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc Covid-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị.

Công điện cũng yêu cầu phải tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 “thần tốc hơn nữa”; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc- xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn. Tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.

Đồng thời, triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng, chống Covid-19; tiêm chủng vắc- xin phòng Covid-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc Covid-19; chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19: hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.

Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương đến địa bàn cấp xã, tổ chức sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy, học trực tiếp; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, tránh xử lý cực đoan; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em mầm học sinh đến trường an toàn.

Tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm "5K", đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh, không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vắc -xin phòng COVID-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vắc- xin mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

Tuyên truyền người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp,... thực hiện thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏc (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác...) thì báo ngay cơ quan y tế để được hỗ trợ, tư vấn, theo dõi và xử trí kịp thời.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; có phương án huy y động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong trường học. Quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên, khen thưởng đối với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia y tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế dự phòng, các trung tâm hồi sức tích cực, các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.