Sự kiện

Nghệ An: Ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện trên địa bàn Nghệ An, nhưng các biện pháp phòng chống bệnh dịch xâm nhiễm đã được các cơ quan liên quan, địa phương và người chăn nuôi nghiêm túc triển khai.

Hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan trên 13 tỉnh, thành trong cả nước. Nghệ An chưa phát hiện có lợn bị bệnh, nhưng nguy cơ xuất hiện dịch rất cao bởi đã có ổ dịch tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa là địa phương giáp ranh với Nghệ An.

Trước sự lây lan nhanh của dịch tả lợn Châu Phi, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời ở huyện Nghĩa Đàn và thị xã Hoàng Mai nhằm khống chế, ngăn chặn.

Nghệ An lập hai chốt kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi.

Được biết, hai chốt trạm khẩn cấp này có chức năng kiểm dịch, ngăn chặn các phương tiện chở động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi từ các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở tỉnh Thanh Hóa vào Nghệ An và từ đó di chuyển vào phía Nam. Hai trạm này sẽ hoạt động 24/24h cho đến khi hết dịch.

Ông Đậu Đăng Định, Trạm trưởng trạm Kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An khẳng định: “Mỗi khi có xe dừng lại, cán bộ trạm tiến hành phun tiêu độc khử trùng xung quanh xe vận chuyển động vật, sau đó kiểm tra thủ tục hành chính, nguồn gốc xuất xứ động vật nuôi, giấy kiểm dịch...; khi đảm bảo đủ điều kiện mới cho xe đi tiếp”.

Theo thống kê từ trạm Kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An, mỗi ngày có khoảng 40 - 45 phương tiện chở động vật qua trạm, trong đó có khoảng 10 - 12 xe chở lợn với hàng nghìn con.

UBND tỉnh Nghệ An ra Chỉ thị “khẩn” phòng chống và ngăn chặn xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn.

Nghệ An là địa phương có ngành chăn nuôi lợn manh mún, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn so với cả nước. Toàn tỉnh có gần 900.000 con lợn, đứng thứ 5 cả nước. Trong đó, có 120 trang trại chăn nuôi lợn tập trung với 103.345 con;chiếm tỷ lệ 11,2% tổng đàn lợn; chủ yếu là chăn nuôi nông hộ với 295.598 hộ, gần 646.800 con; chiếm tới 70,3% tổng đàn lợn của cả tỉnh.

Ngoài con đường từ phía Bắc, các đơn vị cũng tăng cường lực lượng, phối hợp cấp ủy chính quyền địa phương và các lực lượng đẩy mạnh biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch xâm nhập, nhất là ở địa bàn biên giới.

Xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn là địa bàn Quốc lộ 7 chạy qua, có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thông thương với nước bạn Lào.

Vì vậy, để chủ động trong phòng chống dịch bệnh, cấp ủy chính quyền địa phương xã Nậm Cắn đã phối hợp đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Hải quan cửa khẩu, cơ quan kiểm dịch và các lực lượng liên quan, chủ động triển khai những kế hoạch, phương án phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu Nậm Cắn. (Ảnh: Thành Châu).

Tại khu vực cửa khẩu, nơi có đông người qua lại, đồn tổ chức in băng rôn, khẩu hiệu về phòng chống dịch tả lợn châu Phi treo ở dọc hai bên cửa khẩu để tuyên truyền người dân nhận biết và nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh.

Đại úy Ngô Quang Hiếu, Chính trị viên Phó đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn cho biết: “Ban chỉ huy đồn cũng chỉ đạo trạm Kiểm soát tăng cường lực lượng phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt tại cửa khẩu, đường mòn để phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn”.

Tại Việt Nam, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2.