Dân sinh

Nghệ An: "Miệng tử thần" uy hiếp tính mạng người dân

Sau trận mưa lớn, đất đá trên núi sạt lở xuống ảnh hưởng đến tính mạng của hàng trăm hộ dân ở xã Tam Thái, huyện Tương Dương.

Theo đó, vụ sạt lở bắt đầu từ rạng sáng 18/10, sau một tiếng nổ lớn, một phần quả đồi tại bản Can, xã Tam Thái, huyện Tương Dương (Nghệ An) bất ngờ sụt xuống khiến nhà dân bị sập, đe dọa tính mạng người dân nơi đây. Trong lúc chưa kịp khắc phục, thì mưa lớn liên tục những ngày qua lại khiến đất đá tiếp tục sạt xuống. Nhiều gia đình tại đây đang trong cảnh sợ hãi, bất an khi phải sống dưới "miệng tử thần". Các hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm đã phải di dời đến ở tạm nơi khác để đảm bảo an toàn.

Ông Lô Văn Minh (53 tuổi, trú bản Can) cho biết, gia đình ông là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề khi số lượng lớn đất đá từ ngọn núi sạt lở đổ xuống làm đổ sập căn nhà. “Đất đá trôi xuống làm đổ tường, bùn sâu hơn 1m. Mấy ngày nay chúng tôi không dám về nhà, chỉ biết ở tạm cùng người thân, chờ đợt mưa lũ qua mới dám về nhà cào bùn đất, sửa lại”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, vụ việc xảy ra khoảng rạng sáng, nên ông phải hô hoán người dân ứng cứu. Ban quản lý bản cũng ngay lập tức phát loa thông báo kêu gọi người dân đến hỗ trợ gia đình ông Minh và những hộ có nguy cơ bị sạt lở, kịp thời di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Ngôi nhà ông Lô Văn Minh, bản Can bị hàng trăm tấn đất đá tràn xuống, hư hỏng nặng. (Ảnh: Báo Nghệ An).

Không những trực tiếp ảnh hưởng đến nhà dân, vụ sạt lở núi đã khiến tuyến tỉnh lộ đi qua địa bàn xã Tam Thái bị uy hiếp nghiêm trọng, bởi đây là tuyến đường duy nhất vào xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.

Dù năm nay đã 72 tuổi, cũng là chừng đó năm sống trên vùng đất này, ông Lô Hoài Thông chưa từng chứng kiến cảnh tượng lở núi kinh hoàng như thế này bao giờ. Ngôi nhà sàn của ông cũng nằm ngày dưới “miệng tử thần” nên đã được di dời. Hiện, ông và vợ phải ở tạm trong căn lều lâu nay dùng làm nhà bếp.

Theo các hộ dân nơi đây, phía trên núi trước đây là rừng nguyên sinh. Nhưng khoảng 6 năm nay, chính quyền giao đất rừng cho các đoàn thể để phát hết nhằm lấy đất trồng ngô, trồng sắn. Những cây lớn không còn để giữ đất, nên khi mưa lớn đã xuất hiện lở núi.

Ông Lô Thanh Tuân, Chủ tịch UBND xã Tam Thái, cho biết, đến thời điểm này hiện tượng sạt lở không còn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2 hộ chưa thể về nhà, vì chưa đảm bảo an toàn. Sau khi sự việc xảy ra, xã đã báo cáo lên cấp trên để chờ phương án xử lý.

TÚ ANH (T/h theo VOV, Tiền Phong)