Kinh tế

Nghệ An đứng trong nhóm tỉnh, thành tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước

Quý I/2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An (GRDP) ước đạt 7,75%; đứng trong nhóm những địa phương tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước.

Quý I/2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An (GRDP) ước đạt 7,75% so với cùng kỳ; đứng thứ 14/63 tỉnh, thành của cả nước. 

Biểu đồ tăng trưởng GRDP Quý I năm 2023 của 63 tỉnh, thành phố. Ảnh: VOV

Tại Nghệ An, trong quý 1 năm 2023, các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch năm 2023, xây dựng kịch bản tăng trưởng, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chỉ đạo, điều hành. Gắn với đó thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách, đầu tư công năm 2023; triển khai giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 cho các ngành, các cấp ngay từ đầu năm để triển khai thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập 5 Tổ công tác để chỉ đạo, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực.

Kết quả, tính đến ngày 20/3, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân hơn 282 tỷ đồng, đạt 5,06%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 3 tháng đầu năm ước tăng 5,81% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng ước tăng 25,74%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 8,86%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước tăng 21,67%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,45%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,25% so với cùng kỳ.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I ước đạt tăng khá so với cùng kỳ như: Bia các loại 33,92 triệu lít, tăng 11,21%, xi măng 2,7 triệu tấn, tăng 12,42%, sữa chế biến 85,7 triệu lít, tăng 6,32%, điện sản xuất 897 triệu Kwh, tăng 30,76%, tôn Hoa Sen các loại 369 nghìn tấn, tăng 7,79%...

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I ước đạt 2.657 tỷ đồng, tăng 28,57% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng ước đạt 520 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 274 triệu USD.

Lượng khách du lịch ước đạt 1,9 triệu lượt, bằng 181% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 1.460 tỷ đồng, bằng 306,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách quý I ước thực hiện 4.467 tỷ đồng, đạt 28,2% dự toán; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 4.258 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước thực hiện 209 tỷ đồng.

Đặc biệt, Nghệ An tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong thu hút đầu tư. Tỉnh đã cấp mới 30 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4.937 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là hơn 5.435 tỷ đồng.

Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố số liệu cho thấy, trong quý I/2023, Nghệ An thu hút được 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 164,95 triệu USD, đứng thứ 10 toàn quốc, đứng đầu 14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Tính lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 132 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 2,737 tỷ USD.

Dù đạt được những kết quả tích cực nhưng tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nổi lên đó là một số khoản thu ngân sách dự báo đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022; thị trường bất động sản gặp khó khăn dẫn đến khả năng thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất một số địa phương khó đạt theo kế hoạch đề ra; giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm gặp vướng mắc.

Mặt khác, do những tác động của thị trường trong nước và thế giới, giá cả đầu vào tăng cao nên nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong hoạt động, khả năng phải thu hẹp sản xuất hoặc chấm dứt hoạt động (trong quý 1 năm 2023 đã có 602 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động).

Hiện nay để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, tỉnh Nghệ An đang đang tập trung hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; trong đó, ngành nông nghiệp xây dựng đề án sản xuất vụ hè thu năm 2023, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức sản xuất vụ Hè Thu ngay sau khi thu hoạch lúa vụ xuân; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo kế hoạch, Tổ công tác về lĩnh vực đầu tư công cũng sẽ làm việc trực tiếp với các địa phương, cơ quan, đơn vị, các ban quản lý dự án để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn; tăng cường giám sát, kiểm tra thực tế hiện trường các công trình trọng điểm của tỉnh.

Theo Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng GRDP ở mức cao so với tốc độ tăng GDP như: Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%; Ninh Bình tăng 8,45%; Tuyên Quang tăng 8,42%; Bắc Giang tăng 8,40%.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm: Bình Dương tăng 1,15%; Tp. HCM tăng 0,7%; Quảng Ngãi giảm 1,07%; Vĩnh Phúc giảm 2,47%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm 11,85%.

Minh Hoa (t/h theo TTXVN, báo Nghệ An)