Xi nhan Trái Phải

Ngày tết bàn về cái tình của chủ nợ

Mặc cho bạn còn đang ngập đầu trong nợ nần hay chôn chân giữa đống đồ đạc thì Tết vần cứ ùa đến. Nhưng có một điều tích cực mà Tết đem lại đó là vào dịp này, các chủ nợ cũng mải ăn chơi mà quên… đòi nợ. 

Tôi là một con nợ kinh niên mà nếu chủ nợ có tính lãi thì có bán thân như Thúy Kiều tôi cũng chẳng thể trả hết. 

Ngày tết dân mình kiêng nói chuyện nợ nần, sợ dông. Tôi biết. Nhưng tôi đã dông cả đời rồi, ba ngày tết không dông lại thấy… thiếu. 

Ở đời có nhiều chuyện trái khoáy. 

Mặc cho bạn còn đang ngập đầu trong nợ nần hay chôn chân giữa đống đồ đạc thì Tết vần cứ ùa đến. Nhưng có một điều tích cực mà Tết đem lại đó là vào dịp này, các chủ nợ cũng mải ăn chơi mà quên… đòi nợ. 

Các con nợ, lợi dụng thời cơ ấy mà (lấy khoản tiền đáng lẽ ra để trả nợ) phục sức lộng lẫy và sắm sửa tung xòe. Nợ gì thì nợ, tết vẫn phải ăn chơi, chủ nợ sẽ vì kiêng mà không oán (chủ nợ, về phần mình kiêng đòi nợ vì sợ …dông thì cả năm đòi nợ bất thành). 

Trong lúc hoan hỉ về sự mưu lược của mình, tôi nhìn sang chủ nợ đang chắt bóp chi tiêu, tính tính toán toán mua hạt bí hay hướng dương, giò tai hay giò lụa, thược dược hay lay ơn.

Chợt thấy làm chủ nợ cũng chẳng sung sướng gì. Giới anh hùng bàn phím có câu “đứng cho vay, quỳ đòi nợ” quả không sai. 

Nhưng ở đời nhiều chuyện trái khoáy. 
Chủ nợ của tôi không hề ý thức về việc đòi nợ. Tôi đồ rằng bà sẽ dành cả đời để “đứng cho vay”, mà thậm chí, bà cũng không có ý định cho-vay, bà cho-luôn. 

Tôi nợ bà cả đời. 

Còn cả đời bà lại chưa một giây phút nào nghĩ mình là chủ nợ. Mà cũng chẳng ai coi mẹ mình là chủ nợ, vì chẳng có ai có sức để trả những “món nợ” đó. Vậy thay vì xem mình là con nợ, tôi thấy mình giống con…của nợ. 

Những ngày cuối năm, bà vào viện, bệnh viện chộn rộn hơn bởi bà vừa nằm viện vừa… trông cháu - con của nợ của con của nợ - nếu cho vay nặng lãi thì bà đúng là “trùm cuối” của đường dây. 

Ban ngày bà trông cháu, tối tối bà trốn viện về nhà… chăm ông. 

Trần đời tôi chưa thấy có bệnh nhân nào như bà. Bà không muốn ai chăm ông vì biết rằng ông không muốn ai chăm mình - ngoài bà. 

Bà là người kỳ lạ đến nỗi tôi chưa bao giờ tôi mơ ước trở thành người như bà và cũng xác định là không bao giờ có thể kỳ lạ như bà. Chưa bao giờ tôi thấy bà nghĩ cho mình. Chưa bao giờ. 

Tôi không thể hiểu nổi. 

Tôi không thể nhớ lần cuối cùng bà mua cho mình một món đồ mới là bao giờ nữa. Sự kiện đó mờ hẳn trong tâm trí tôi như thể cái cách mọi người lần mò sợi dây ký ức nhớ về ngày đầu đến lớp. (Cũng có thể trí nhớ tôi không tốt và cũng không ngoại trừ tôi đang dùng thủ pháp phóng đại nhưng dù có dùng thủ pháp gì đi nữa thì tôi cũng không thể nhớ nổi). 

Ở bà đức tính hy sinh được đẩy lên đến mức đáng báo động. 

Việc đòi hỏi sự hy sinh của người khác là sự phản chiếu của tính ích kỷ. Nhưng cái cách bà hy sinh khiến tôi thấy hy sinh đối với bà như một… sở thích. Vậy nên ở bên bà tôi được thỏa sức vẫy vùng trong sự ích kỷ ngọt ngào. 

Tết là dịp đoàn viên, mọi người hân hoan đoàn tụ, còn tôi được ở bên bà 365 ngày, cả năm với tôi ngày nào cũng là tết. 

Nhưng tôi vẫn muốn viết về bà - dành cho bà những dòng chữ đầu tiên của năm mới - để nhắc nhớ mình rằng tôi đang nợ bà cả cuộc đời. 

Viết ngày mùng Một xuân Kỷ Hợi 2019

Hoàng Thanh Xuân