Đời sống

Ngày nào cũng tốn tiền test nhanh Covid-19, liệu có cần thiết?

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều người đã chi hàng triệu đồng để test nhanh định kỳ cho bản thân và gia đình. Liệu việc này có cần thiết?

Chia sẻ với Infonet, chị Bùi Thanh Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết từ khi con trai lớp 8 đi học, trong lớp có F0 nên con chị là F1. Vì sợ mắc bệnh nên ngày nào chị Hoa cũng test cho cả gia đình 4 người. Khi con là F1 thì gọi cơ sở y tế tư nhân tới nhà làm PCR cho cả nhà giá 700 nghìn đồng/người. May mắn âm tính nhưng đến ngày thứ 5 phải làm lại lần nữa cho yên tâm. Riêng tiền xét nghiệm PCR cho tuần đầu con đi học là khoảng 6 triệu đồng.

Theo chị Hoa, vì gia đình có mẹ đang bị đái tháo đường type 2, vừa phẫu thuật cắt mật nên chị rất lo nếu nhiễm bệnh thì bà không trụ nổi. Để yên tâm, ngoài cách ly bà ở phòng riêng thì cả nhà cũng thường xuyên test nhanh. Mỗi ngày, chị Hoa và chồng thay nhau test xem có ai là F0 không. Hai vợ chồng chị đều đi làm ở công ty có nhiều người, cơ quan chỉ cho F0 ở nhà, còn F1 vẫn đi làm bình thường nên không biết thế nào để phòng tránh.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống.

Cũng như chị Hoa, nhiều người dân tại Hà Nội đang "sống chung" với dịch cũng dự trữ kit xét nghiệm nhanh để test định kỳ.

Từ khi học sinh THPT trở lại trường, chị Nguyễn Thị Thơm (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã tốn hơn 1 triệu đồng mua bộ xét nghiệm nhanh. "Mỗi que test nhanh là 70 nghìn đồng, ngày nào con đi học về tôi cũng test cho con để chắc chắn con chưa bị nhiễm bệnh. Do gia đình bán hàng tạp hóa, tiếp xúc với nhiều người nên một tuần, gia đình gồm 5 người lại test nhanh một lần. Tôi nghĩ việc test nhanh là cần thiết vì hiện tại ở Hà Nội đang rất nhiều F0, cẩn thận vẫn hơn", chị Thơm nói với Tuổi Trẻ Online.

Tương tự, anh Trương Văn Sơn (quận Hà Đông, Hà Nội) vừa mua một hộp test nhanh 20 bộ với giá hơn 1 triệu đồng. "Cũng xót ruột lắm nhưng công việc của tôi tiếp xúc với nhiều người nên vẫn phải mua. Cứ 3 ngày tôi lại test nhanh một lần để yên tâm, nếu dương tính còn cách ly để không lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình", anh Sơn cho biết.

Theo Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 19/2 đến 16h ngày 20/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 47.200 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 47.192 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.224 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 33.851 ca trong cộng đồng). Số F0 tăng liên tục khiến nhiều người lo lắng đi tìm mua test nên giá cũng tăng lên 20 – 30 % so với tuần trước đó.

Theo BS Nguyễn Thành Tâm – Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14, Tp.HCM khi số ca mắc cao thì người dân sẽ lo lắng đi test. Nhưng BS Tâm khuyến cáo chỉ những người có yếu tố nguy cơ như tiếp xúc rất gần với F0, người già, người có bệnh nền mãn tính, người chưa tiêm vắc-xin và đặc biệt các F1 khoẻ mạnh chỉ test nhanh khi có triệu chứng của Covid-19. Còn là F1 mà không có triệu chứng chỉ theo dõi triệu chứng, không cần phải ngày nào cũng test.

Với gia đình có người già, người bệnh mãn tính có thể tăng cường bảo vệ bằng cách test cho họ và chú ý theo dõi sức khỏe, cố gắng vận động người chưa tiêm vắc-xin nên đi tiêm vắc-xin. BS Tâm cho biết càng già, càng nhiều bệnh nền đi kèm thì càng phải tiêm vắc-xin vì vắc-xin đã được chứng minh hiệu quả giúp giảm nguy cơ trở nặng khi nhiễm bệnh, giảm tử vong ở người bệnh Covid-19.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) - cho rằng việc test nhanh Covid-19 định kỳ gây tốn kém và không cần thiết.

"Chúng ta chỉ cần test nhanh Covid-19 trong hai trường hợp: Thứ nhất là có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sổ mũi, đau họng, sốt…; thứ hai là khi có yếu tố dịch tễ rõ ràng, là khi chúng ta có tiếp xúc với F0.

Hiện chúng ta đã mở cửa và thích nghi linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Thay vì test thường xuyên để biết mình có nhiễm bệnh hay không, người dân nên tuân thủ khuyến cáo 5K và chấp hành tốt quy định cách ly khi là F0, F1".

ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - Phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cũng cho rằng việc tự test nhanh là quyền của mỗi người, tuy nhiên, việc test nhanh chỉ có hiệu quả khi người dân có triệu chứng nghi ngờ. Bên cạnh đó, khi test cần đưa que đến vùng tỵ hầu thì khả năng "tìm" virus mới cao. Nếu chỉ dùng que ngoáy vùng mũi trước thì không hiệu quả.

"Khi người dân xét nghiệm nhanh nhiều lần nhưng chưa đúng cách thì không những không đạt hiệu quả mà còn gây tốn kém không cần thiết", ThS.BS Vân Anh lưu ý.

Minh Hoa (t/h)