Văn hoá

Ngày Độc lập nhớ về kỷ niệm được gặp Bác Hồ

Mỗi dịp lễ Quốc khánh 2/9, NSƯT Lê Thiện lại bồi hồi xúc động nhớ về ngày được gặp Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc.

Được khán giả ưu ái gọi là “bà nội quốc dân” trên màn ảnh, thế nhưng ít người biết NSƯT Lê Thiện từng có thời gian phục vụ quân đội dưới nhiều vai trò, trong các đoàn văn công kháng chiến và được ra Bắc gặp Bác Hồ. 

Vừa hát vừa canh "tử thần"

Sinh tại Bình Định, năm 13 tuổi, NSƯT Lê Thiện đã bén duyên với nghệ thuật bằng một định mệnh vô cùng bất ngờ. Theo đó, bà đã trúng tuyển vào Đoàn văn công Quân đội Nam Bộ tập kết ra Bắc để thế chỗ cho một bạn khác, và không thể ngờ chỉ sau một tuần cuộc đời bà đã rẽ sang một hướng khác.

Kể lại hành trình băng rừng Trường Sơn từ gần nửa thế kỷ trước, NSƯT Lê Thiện nói rằng bà vẫn nhớ như in những ngày hành quân mệt đến rã người. Vừa là nghệ sĩ vừa là chiến sĩ, bà đã trải qua lằn ranh sống – chết chỉ trong gang tấc mỗi khi đứng hát giữa mưa bom bão đạn. NSƯT Lê Thiện kể lại rằng trong giai đoạn đó, các đoàn văn công vẫn thường biểu diễn tuân theo quy luật bom đạn ở Trường Sơn, giờ nào sẽ có bom nào, và họ sẽ tránh những lần “rải thảm”. Sân khấu của cả đoàn hát sẽ được đặt liền kề với giao thông hào, để khi nếu có biến cố thì cũng sẽ được an toàn.

Hình ảnh NSƯT Lê Thiện thời trẻ.

Một lần khi đang phục vụ Bài ca may áo, một quả bom không theo quy luật bỗng dưng phát nổ, khiến 7 người trong đoàn bị ngã xuống đường mương hẹp gần đó. Nhưng nghệ sĩ Lê Thiện lúc đó không cảm thấy sợ, bà chỉ giật mình nhất thời. Bởi, với bà, bom đạn của quân thù không thể kình được với khí thế lôi cuốn mang tính cách mạng.

Và cũng trong giai đoạn lịch sử đó, bà đã được rèn luyện ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Nghệ sĩ Lê Thiện chia sẻ: “Lúc này, nghệ thuật cải lương rất được yêu thích ở phía Bắc, nên tôi đã có được cơ hội học hỏi và rồi sau này có những vai diễn gắn liền tên tuổi, như Hạc chiều, Rạng ngọc Côn Sơn”.

Tuy thế ít người biết rằng trước khi là một diễn viên cải lương nổi tiếng, NSƯT Lê Thiện cũng từng là diễn viên múa, xiếc cũng như có kỹ năng hát, diễn kịch. Đó là đòi hỏi tất yếu trong một giai đoạn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nên người nghệ sĩ phải thật đa tài.

Nâng niu kỷ niệm ngày được gặp Bác Hồ

Trong câu chuyện về Bác Hồ, NSƯT Lê Thiện không quên kể lại kỷ niệm in sâu trong trái tim của bà. Khi ấy, bà mới 12 tuổi - năm 1956, là người nhỏ nhất trong Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị tập kết ra Bắc tham gia kháng chiến. Hai ngày trước khi lên đường, bà được dẫn đi may một bộ quân phục mới tinh và được mua một đôi giày thật đẹp.

NSƯT Lê Thiện kể: “Vào một buổi sáng tại Thủ đô, khi kim đồng hồ chỉ 6h30 phút, tôi được vinh dự đặt chân vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Lúc đó, vì còn khá sớm nên tôi cố tình tách đoàn, chạy chân sáo trong phủ và dừng bước trước một sảnh lớn, ngắm mình trước một tấm gương lớn trong sảnh. Đang say sưa ngắm, bất chợt tôi giật mình vì câu hỏi của ai đó từ phía sau: "Cô bé này làm gì đây?". Tôi khoanh tay thưa với người hỏi mình: "Dạ, cháu đến để gặp Bác Hồ ạ" và bất ngờ nhận ra ngay người vừa hỏi mình chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi từng được thấy chân dung Bác qua những bức ảnh trên báo. Bác Hồ nghe tôi thưa liền cười hỏi: "Vậy hẹn 7h gặp mà sao cháu đến sớm thế?". Tôi lại hồn nhiên: "Dạ, cháu đi sớm để "trừ hao" ạ". Bác Hồ cười khi nghe giọng miền Nam đặc sệt của tôi với hai chữ "trừ hao". Hai ngày sau đó, một chiếc xe đặc chủng đến tận nơi ở của tôi tại trụ sở trên đường Lý Nam Đế đón tôi đến Phủ Chủ tịch lần nữa”, dòng ký ức của NSƯT Lê Thiện ùa về.

Thú thật lần thứ hai này, bà hồi hộp lắm và tự nhủ không nên nói câu nào. Vậy mà khi đến phủ, mọi âu lo đều tan biến hết vì bà được Bác Hồ cho kẹo chanh, kẹo dứa. Rồi Bác hỏi thăm bà về gia đình, về sở thích cá nhân và dặn dò cô bé miền Nam hãy chăm chỉ học hành. “Lần đó, tôi được dùng cơm với Bác Hồ, với bác Phạm Văn Đồng và một vài vị khác nữa trong phủ. Bữa cơm đơn sơ với canh và cá kho mà ngon đến lạ lùng", nghệ sĩ Lê Thiện xúc động.

Những năm qua, NSƯT Lê Thiện được khán giả ưu ái với biệt danh “bà nội quốc dân”.

Khi trở về nơi ở, cô gái bé nhỏ nhấm nháp từng viên kẹo ngọt, nhưng thay vì bỏ vỏ kẹo vào thùng rác như người ta vẫn làm, thì cô bé đem giặt sạch vỏ kẹo bằng xà phòng, rồi ép sợi sâu cùng tất thảy những chiếc vỏ kẹo ấy vào một cuốn vở để vừa làm kỷ niệm cho mình, mà cũng là để dành khoe với bạn bè trong Nam khi có dịp.

“Từ sau ngày đất nước hòa bình, tôi vẫn nhớ như in những lời Bác dạy, để qua từng vai diễn, qua từng đợt biểu diễn phục vụ khán giả cả nước, trong tim tôi vẫn giữ nguyên hình ảnh ngày được gặp Bác", NSƯT Lê Thiện xúc động.

NSƯT Lê Thiện tên thật là Tô Đặng Thị Thiện, sinh năm 1945 tại Bình Định. Nữ nghệ sĩ từng có thời gian hoạt động ở vai trò Phó Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang.

Sau gần 50 năm hoạt động làm nghệ thuật trong lĩnh vực Cải lương bà đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng qua các vai diễn để đời như: Dệt gấm, Khuất Nguyên, Tiếng sám Tây nguyên, Mùa Xuân, Rạng ngọc Côn Sơn, Ánh sáng phù du, Thạch sanh - Lý thông, Hòn đảo thần vệ nữ, Bao mạch nữ,...

Về phim ảnh, bà có nhiều vai diễn để lại ấn tượng trong lòng công chúng như: Dù gió có thổi, Vừa đi vừa khóc, Thưa mẹ con đi, Phượng Khấu...

Nữ nghệ sĩ cũng là người tâm huyết với công tác đào tạo lớp trẻ. Năm 1993, nghệ sĩ Lê Thiện đã được phong tặng danh hiệu NSƯT.