Hồ sơ điều tra

Ngày đầu xử vụ chặn tiền hỏa táng: Con nuôi tố Đường “Nhuệ” bất nhân

Lần đầu tiên kể từ khi vướng vào vòng lao lý, đây là phiên tòa có sự xuất hiện của cả vợ chồng đại gia Đường “Nhuệ” và con nuôi.

Vụ án cuối khép lại chuỗi các vụ án của “ông trùm” quê lúa

Ngày 17/11, TAND tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") và 6 đồng phạm về hành vi “ăn chặn tiền hỏa táng”  trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Đây là vụ án thứ 4, “trùm” giang hồ đất Thái Bình, Đường "Nhuệ" bị cơ quan tố tụng đưa ra truy tố, xét xử và cũng là vụ án hình sự sơ thẩm cuối cùng liên quan đến Đường "Nhuệ" được đưa ra xét xử công khai.

Trong phiên tòa này, ngoài Đường “Nhuệ” còn có vợ là Nguyễn Thị Dương và Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến "trắng", con nuôi) cùng tham gia với vai trò bị cáo, đồng phạm. Ngoài ra còn có 4 bị cáo khác liên quan đến vụ án cũng bị đưa ra xét xử gồm: Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Uý, Nguyễn Khắc Nin và Quách Việt Cường (thường gọi Cường "Sơn La") về tội danh cưỡng đoạt tài sản.

Ngay từ sáng sớm, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho phiên tòa đã được TAND tỉnh Thái Bình bố trí, sắp xếp chặt chẽ, nghiêm túc. Chỉ những người có giấy triệu tập mới được tham gia dự phiên tòa.

Xe chuyên dụng chở các bị cáo đến nơi xét xử.

An ninh được siết chặt để đảm bảo việc xét xử diễn ra an toàn. Những người đến tham dự phiên tòa, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí dự đưa tin được đo thân nhiệt và phải khai báo y tế vào tờ khai y tế theo quy định. Báo chí được bố trí phòng tác nghiệp riêng biệt, thông qua màn hình lớn được truyền trực tiếp từ phòng xét xử.

7h45 cùng ngày, lần lượt 4 xe chuyên dụng vận chuyển các bị cáo từ trại tạm giam đến TAND tỉnh Thái Bình.

8h30, HĐXX TAND tỉnh Thái Bình bắt đầu làm việc, thư ký phiên tòa tiến hành thông báo đến các bị cáo và những người tham dự về nội quy, quy chế phiên tòa.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thái Bình, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 4 năm 2020, Nguyễn Xuân Đường và 6 đồng phạm nêu trên đã dùng nhiều thủ đoạn đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp để cưỡng đoạt tiền của 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận.

Tổng số tiền Nguyễn Xuân Đường và đồng phạm chiếm đoạt của 25 bị hại được cơ quan điều tra xác định là gần 2,5 tỉ đồng.

Con nuôi Đường “Nhuệ” nhận 20 năm tù dù tòa chưa xử

Khi phiên tòa mới chỉ kiểm tra nhân thân, lý lịch của các bị cáo và bắt đầu vào phần xét hỏi, Bùi Mạnh Tiến thể hiện luôn quan điểm: “Tôi chẳng nợ nần gì ông bà ấy cả (tức vợ chồng Đường “Nhuệ” - PV), chỉ có ông bà ấy nợ tôi, ông bà ấy đã bất nhân thì không thể trách tôi bất nghĩa, tôi chỉ được cái mác con nuôi oai thôi, tôi xin tòa xử 20 năm và không tranh luận gì thêm”.

Bị cáo Tiến cũng đồng thời từ chối luật sư bào chữa cho mình tại phiên tòa và đề nghị HĐXX xét xử bình thường.

Tiến "trắng" tỏ vẻ không hề sợ hãi tại phiên xét xử, liên tục tố vợ chồng Đường "Nhuệ" bất nhân với mình.

Tại tòa, Nguyễn Xuân  Đường đề nghị tất cả 25 "được cho là bị hại" phải có mặt, nếu tòa triệu tập nhưng các bị hại không có mặt thì phải áp dụng biện pháp “mạnh” hoặc hoãn phiên xử.

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Xuân Đường đều có quan điểm đề nghị hoãn phiên tòa. Một trong những lý do các luật sư cho rằng phải hoãn phiên tòa là bởi có quá ít bị hại có mặt (4/25 bị hại có mặt) sẽ không đảm bảo khách quan, đúng đắn trong quá trình tranh tụng, tranh luận... và một số lý do khác. Tuy nhiên sau đó, bị cáo Nguyễn Xuân Đường lại bất ngờ đề nghị HĐXX tiếp tục xử.

Trước ý kiến của bị cáo Nguyễn Xuân Đường liên quan đến việc giao, nhận bản cáo trạng truy tố, đại diện VKSND tỉnh Thái Bình tham gia giữ quyền công tố tại phiên tòa cho biết: "Theo quy định, kiểm sát viên không có trách nhiệm phải đọc cáo trạng cho bị cáo nghe, còn bản cáo trạng đã được kiểm sát viên tiến hành giao cho bị cáo Nguyễn Xuân Đường, có biên bản bàn giao và bị cáo đã ký vào biên bản bàn giao".

Chỉ đạo đàn em thu tiền “bảo kê” dịch vụ hỏa táng

Buổi chiều cùng ngày, HĐXX tiếp tục bước vào phần xét hỏi. Để đảm bảo tính khách quan, bị cáo Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương và Bùi Mạnh Tiến được cách ly riêng khỏi phòng xử án trước khi HĐXX thực hiện xét hỏi đối với 4 bị cáo còn lại, gồm: Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy, Nguyễn Khắc Nin và Quách Việt Cường.

Theo kết quả điều tra, Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long do ông Trần Đình Giao (SN 1963, trú tại xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) làm Chủ tịch HĐQT. Công ty này hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ hỏa táng với cơ sở hỏa táng là Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (có địa chỉ tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).

Nguyễn Xuân Đường được xác định là kẻ chủ mưu trong vụ ăn chặn tiền hỏa táng.

Năm 2016, Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long ký hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Thành Phát làm đại lý độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình. Sau đó, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Thành Phát ủy quyền cho anh Nguyễn Thế Việt quản lý văn phòng đại diện đặt tại Thái Bình với công việc chủ yếu là nhận thông tin ca hỏa táng từ các cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình báo sang Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình.

Trong thời gian văn phòng Thành Phát hoạt động, các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tang lễ tại Thái Bình thành lập Hiệp hội tang lễ Thái Bình với 25 thành viên, tự phân chia địa bàn, đề ra quy chế hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không bị ép buộc.

Cuối năm 2017, sau khi được ông Trần Đình Giao giới thiệu với các cơ sở dịch vụ tang lễ Thái Bình, Nguyễn Xuân Đường đã nảy sinh ý định muốn chiếm độc quyền lĩnh vực hỏa táng tại Thái Bình, buộc các dịch vụ tang lễ Thái Bình khi làm dịch vụ hỏa táng phải báo ca thông qua Đường và nộp cho Đường 500.000 đồng/ca, đồng thời Đường chỉ đạo các đàn em thực hiện việc này.

Mặt khác, Ninh Đức Lợi cùng với Nguyễn Khắc Nin cố ý gây tai nạn để chặn xe hỏa táng của dịch vụ Tân Đại, giúp sức cho Nguyễn Xuân Đường ngăn không cho các cơ sở dịch vụ tang lễ của tỉnh ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình, gián tiếp đe dọa các chủ cơ sở dịch vụ tang lễ ở Thái Bình phải tuân theo những “luật lệ” do nhóm của Đường lập ra.

Nguyễn Thị Dương không thừa nhận việc cưỡng đoạt tài sản.

Về vai trò đồng phạm của Nguyễn Thị Dương trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định, dù biết Công ty Đường Dương do mình làm Giám đốc không kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tang lễ, không được Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long ủy quyền song Nguyễn Thị Dương vẫn ký vào những bản hợp đồng nguyên tắc và quy chế hoạt động của Hiệp hội tang lễ Thái Bình do đàn em của chồng mình soạn thảo, đồng thời 2 lần nhận tiền báo ca hỏa táng với số tiền trên 107 triệu đồng.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Dương thừa nhận việc có ký xác nhận biên nhận tiền do đàn em của Đường đưa nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo cáo trạng truy tố.

Phiên xử ngày thứ nhất kết thúc vào lúc hơn 18h cùng ngày. Ngày mai (18/11), phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra.