Kinh tế vĩ mô

3 xu hướng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống

Ngành thực phẩm và đồ uống sẽ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022 với động lực chính đến từ việc mở lại dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Công ty chứng khoán VNDirect vừa có báo ngành thực phẩm và đồ uống với dự báo ngành này sẽ phục hồi vào năm 2022 nhờ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng.

Ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi năm 2022

"Chúng tôi cho rằng ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa" - báo cáo nêu.

Cụ thể, VNDirect kỳ vọng tất cả các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý II/2022 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số.

VNDirect cũng kỳ vọng tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, thu nhập thực của người dân được cải thiện với dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ trong khi lạm phát dự kiến tăng 3,45% so với cùng kỳ năm 2022, đạt mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát dưới 4,0.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cũng cho rằng du lịch hồi sinh sau khi các chuyến bay quốc tế được cấp phép cho mục đích thương mại kể từ quý I/2022, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch, giải trí, lưu trú và ăn uống.

Tổng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục hồi kể từ tháng 9 năm 2021 sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội.

VNDirect cũng cho rằng Chính phủ có thể tung ra gói kích thích tài khóa lớn hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào: trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và gia tăng đầu tư công vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội. Các chính sách này nhằm phục hồi cầu tiêu dùng trong nước.

3 xu hướng thúc đẩy tăng trưởng

Từ đó, VNDirect chỉ ra 3 xu hướng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống.

Xu hướng đầu tiên là sự thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng sang các thực phẩm tươi sống và đóng gói. Theo khảo sát do Deloitte thực hiện nhằm đo lường kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, 84% và 70% người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu dành cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói do nhu cầu tích trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Theo Fitch Solution, chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam ước tính sẽ tăng lần lượt 8,0% svck và 10,0% svck trong 2022-2023, được thúc đẩy bởi sự điều chỉnh chi tiêu trong trạng thái "bình thường mới", tập trung vào các mặt hàng thiết yếu (thực phẩm và đồ uống không cồn, nhà ở và tiện ích).

Thay đổi trong kế hoạch chi tiêu hộ gia đình dưới tác động của COVID-19 (đơn vị: % người tiêu dùng).

"Trong đó, các hộ gia đình Việt Nam chủ yếu chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn (23%). Do đó, chúng tôi cho rằng xu hướng tiêu dùng mới này sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành F&B trong năm 2022" - báo cáo nêu. 

Xu hướng tiếp theo là nhu cầu hàng tiêu dùng cao cấp đang gia tăng. Theo VNDirect, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 17 về dân số với 100 triệu người và đang đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong ASEAN với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2018-2020 là 6,9%.

Theo Fitch Solutions, thu nhập khả dụng trên mỗi hộ gia đình của Việt Nam sẽ đạt 6.848 USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép là 8,0% trong giai đoạn 2020-24. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng và thu nhập khả dụng tăng sẽ làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm cao cấp.

"Chúng tôi cho rằng thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng ổn định, đồng thời lạm phát và tỷ giá hối đoái được kiểm soát kịp thời sẽ giúp người dân tiếp cận gần hơn với các sản phẩm cao cấp. Họ trở nên hiểu biết hơn nhiều về những tiêu chuẩn cao cấp. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề sức khỏe, do đó làm tăng nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe" - báo cáo của VNDirect cho hay. 

Cuối cùng, VNDirect cho rằng các kênh bán hàng hiện đại sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống. 

Giá trị mua sắm tại các kênh online và siêu thị mini có khả năng sẽ bắt kịp kênh mua sắm truyền thống.

VNDirect chỉ ra dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, tạo cơ hội cho các kênh phân phối hiện đại phát triển nhanh chóng khi người dân chọn mua sắm trực tuyến tại nhà và siêu thị với các sản phẩm đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc. Năm 2020, các kênh bán lẻ hiện đại đã tăng trưởng ấn tượng, phủ khắp các thành phố lớn, và dần phủ rộng ra các vùng nông thôn trong khi kênh bán lẻ truyền thống vẫn được duy trì nhưng không còn phát triển mạnh mẽ.

"Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống với hệ thống phân phối hiện đại mạnh mẽ có thể hưởng lợi từ điều này và tăng trưởng trong dài hạn" - báo cáo nêu rõ.