Thế giới

Ngành năng lượng mặt trời của Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại

Sự chậm lại trong tăng trưởng của ngành năng lượng mặt trời có thể ảnh đến các mục tiêu khí hậu mà chính quyền Tổng thống Biden đề ra.

Việc lắp đặt các dự án trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ mới đây đã bị cảnh báo có thể sẽ chậm lại vào năm nay. Nguyên nhân do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và nguy cơ Mỹ có thể áp đặt mức thuế mới lên tấm pin nhập khẩu từ Đông Nam Á.

Công ty điện lực Mỹ Southern Co (SO.N) cho biết gần 1 gigawatt trong các dự án năng lượng mặt trời theo kế hoạch của họ sẽ bị trì hoãn một năm, đây là thông tin mới nhất trong một loạt cảnh báo từ các công ty và đại diện ngành năng lượng mặt trời tại Mỹ.

Sự chậm lại trong tăng trưởng của ngành năng lượng mặt trời có thể ảnh đến các mục tiêu khí hậu mà chính quyền Tổng thống Biden đề ra, bao gồm cả mục tiêu khử cacbon trong lĩnh vực điện của Mỹ vào năm 2035 thông qua mở rộng việc sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Trong một phiên điều trần ngân sách quốc hội Mỹ hôm 28/4, khi trả lời câu hỏi của nhà lập pháp về mối đe dọa từ các mức thuế mới đối với việc lắp đặt năng lượng mặt trời, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm bảy tỏ: "Tôi chia sẻ mối quan tâm sâu sắc của bạn về vấn đề này".

Các tấm pin năng lượng mặt trời tại Hạt Kern, California vào ngày 18/6/2021. Ảnh: AFP.

Giám đốc Tài chính Daniel Tucker của công ty tiện ích Georgia Power cho biết công ty này đã nhận được sự chấp thuận theo quy định vào tuần trước để trì hoãn một số dự án năng lượng mặt trời một năm nữa. Việc trì hoãn cho đến tháng 11/2024 được áp dụng cho 5 cơ sở năng lượng mặt trời đã được lên kế hoạch ở bang Georgia với công suất lên tới 970 megawatt, đủ để cung cấp điện cho 184.000 ngôi nhà.

Cũng vào tuần trước, công ty năng lượng NextEra cho biết dự kiến ​​khoảng 2,1- 2,8 gigawatt trong các dự án lưu trữ năng lượng và năng lượng mặt trời của họ sẽ chuyển từ năm 2022 sang năm 2023. Nguyên nhân do công ty quan ngại về việc Mỹ có thể áp thuế đối với các tấm pin mặt trời từ các quốc gia Đông Nam Á.

Vào tháng 3, Mỹ đã mở một cuộc điều tra về cáo buộc liệu các nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc có đang trốn thuế bằng cách gửi linh kiện sang các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia để lắp ráp trước khi vận chuyển thành phẩm đến Mỹ.

Theo Hiệp hội Năng lượng sạch (ACP), các quốc gia Đông Nam Á này dự báo chiếm tới 80% nguồn cung tấm pin năng lượng mặt trời cho Mỹ trong năm nay. Cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều tháng, gây ra biến động trên thị trường năng lượng mặt trời.

Hồi đầu tuần này, Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời (SEIA) dự báo lắp đặt năng lượng mặt trời tại Mỹ cho năm nay và năm tới giảm 46% do nguy cơ của việc áp đặt các mức thuế mới.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Scmp)