Kinh tế vĩ mô

Ngành logistics Việt còn hạn chế lao động chất lượng cao

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh và đang có tiềm năng phát triển rất lớn song, nguồn nhân lực có trình độ cao vẫn là "nút thắt" của ngành logistics Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng nhanh 

Tại Diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp với chủ đề “Phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số”, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Lê Tấn Dũng cho biết hiện nay, phát triển kỹ năng nguồn nhân lực là một trong ba chiến lược mang tính đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ kết nối và phát triển kinh tế.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16% và quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm, Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam; được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường Logistics mới nổi toàn cầu.

Hiện các nhu cầu về cảng, kho bãi và giao nhận hàng hóa đang ngày càng tăng. Lĩnh vực này đang tiếp tục có những nhu cầu phát triển kỹ năng nguồn nhân lực, đặc biệt là để đáp ứng xu hướng số hoá.

Mục tiêu của Việt Nam đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ Logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ Logistics đạt 15%-20%, chi phí Logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP.

Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam

“Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi lĩnh vực Logistics của Việt Nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh của lĩnh vực trong đó phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, hợp tác trong lĩnh vực Logistics giữa Việt Nam và Australia đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, thông qua việc xây dựng và triển khai các Hiệp định thương mại tự do; tăng cường quan hệ đối tác, mở rộng kinh doanh giữa các doanh nghiệp và tổ chức Logistics từ cả hai quốc gia; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác về công nghệ.

Những mối quan hệ hợp tác này giúp cải thiện hiệu suất logistics, và tạo ra cơ hội kinh doanh cho cả hai quốc gia. Quá trình này có thể tiếp tục phát triển và mở rộng trong tương lai để đảm bảo sự tương tác mạnh mẽ giữa Việt Nam và trong lĩnh vực Logistics.

Chia sẻ tầm nhìn về phát triển lực lượng lao động logistics, Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinoski nhấn mạnh rằng, Chính phủ Australia và Việt Nam sẽ cùng nhau hợp tác đảm bảo cho Việt Nam có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiệu quả, bền vững để đào tạo đội ngũ lao động được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho tương lai.

“Australia có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp rất phát triển và việc phát triển kỹ năng lao động ngành Logistics rất cần thiết cho những quốc gia có hệ thống cung ứng lớn như Việt Nam”, Đại sứ Andrew Goledzinoski khẳng định.

Xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao 

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) cho biết, tại Việt Nam hiện vẫn đang có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo, ngành nghề, nhất là ở những ngành nghề mới, đòi hỏi lực lượng nhân lực có kỹ năng như Logistics hay gần đây là Chip bán dẫn, khi các doanh nghiệp FDI đang có định hướng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.

“Tuy nhiên, hầu như trong lĩnh vực Logistics, hay Chip bán dẫn gần như mới chỉ có vài trường có ngành đào tạo nhưng với số lượng rất ít”, ông Độ nói. Việc mất cân đối trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo dẫn đến mất cân đối cung ứng nhân lực cho các ngành kinh tế.

“Cứ một người đi học đại học thì có khoảng 0,42 người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, tức là cơ cấu đang bị chênh lệch giữa các trình độ đào tạo, dẫn đến một số lĩnh vực, ngành, cấp trình độ đang thừa nhân lực, nhưng nhân lực có trình độ cao trong các ngành sản xuất, dịch vụ cho phát triển kinh tế lại đang thiếu trầm trọng”, ông Độ thông tin.

Riêng với ngành Logistics, ở Việt Nam hiện chỉ có một số trường đào tạo với số lượng ít, như Đại học Hàng Hải Việt Nam, các cơ sở khác hầu như chỉ có những ngành đào tạo liên quan.

Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) Trương Anh Dũng cho biết: “Theo tính toán, tới năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu hơn 200.000 nhân lực. Vì vậy, việc xây dựng năng lực lao động và gắn kết doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được đặt ra bức thiết. Australia đang hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam để đạt những kết quả quan trọng, đặc biệt là xây dựng mô hình do doanh nghiệp dẫn dắt trong giáo dục nghề nghiệp”.

Các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn.

Theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành logistics (LIRC) Vũ Ninh, thông qua chương trình Aus4Skills, Australia đã hỗ trợ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam thành lập Hội đồng LIRC, đây là một mô hình chưa từng có ở Việt Nam do doanh nghiệp dẫn dắt, giúp đưa ra những dự báo về kỹ năng nghề, cung cấp các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đóng góp vào việc xây dựng các khóa đào tạo mới cho giảng viên và học viên các trường nghề.

Logistics là một ngành công nghiệp toàn cầu với những thay đổi nhanh chóng về yêu cầu đối với đội ngũ lao động. “Sự kết nối và nắm bắt thông tin kịp thời của thị trường thông qua Hội đồng LIRC giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiết kế chương trình đào tạo cập nhật. Điều này giúp thu hút sinh viên tham gia các khóa học logistics nhiều hơn, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chuyển thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Chính vì vậy, việc có nguồn nhân lực chất lượng cao và linh hoạt là cấp thiết để đáp ứng mọi thay đổi của bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, nhu cầu về kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, song đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp.

Nắm chắc cơ hội, bứt phá đi lên 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang là xu thế chung, được đánh giá là một trong những nguồn lực có tính chiến lược quan trọng nhất để đất nước nắm bắt những cơ hội của cuộc CMCN 4.0 để bứt phá đi lên. Để bắt kịp được xu hướng này, giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cần thiết. Cụ thể, cần đẩy mạnh tính liên thông, liên bậc học, giáo dục định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh và sinh viên; xây dựng cơ chế chính sách thu hút sinh viên vào lĩnh vực khoa học, công nghệ; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục đại học; xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực quản lý và chuyên môn tốt.

Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến, tại Việt Nam rất cần nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Đây vừa là quyền lợi vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hiện nay, nhiệm vụ này không chỉ đặt trên vai của các trường phổ thông hay đại học mà còn cần được san sẻ bởi các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không còn đơn thuần là bên sử dụng lao động đã qua đào tạo từ các cơ sở giáo dục, thay vào đó sẽ phải chủ động kiến tạo các hoạt động ươm mầm cho các thế hệ nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Trao đổi với Kinh tế đô thị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, thời gian tới, các Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho nhà khoa học. Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần dành sự ưu tiên đầu tư thích đáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao. Đặc biệt, các đơn vị cần nghiên cứu, phối hợp các cơ quan liên quan nhằm tạo dựng cơ chế quản lý tài chính phù hợp đặc thù hoạt động nghiên cứu, theo thông lệ quốc tế.

Hương Anh (t/h)