Tài chính - Ngân hàng

Ngành đường sắt nguy cơ phá sản: Người làm xe ôm, người lo thất nghiệp

Trước nguy cơ ngành đường sắt khó trụ vững đến hết tháng 4 năm nay vì thiếu vốn, nhiều công nhân bày tỏ nỗi lo lắng về thu nhập và việc làm.

Chật vật bám nghề

Nơi tôi đến là trạm gác chắn tàu hoả Hoàng Liệt (Công ty CP Đường Sắt Hà Hải), họ - những người công nhân trạm gác đang cần mẫn làm việc ngày đêm để đảm bảo an toàn cho hàng nghìn người qua lại mỗi ngày. Công việc gác chắn tàu tưởng chừng đơn giản nhưng luôn phải tuân thủ những nguyên tắc bất di bất dịch, bởi chỉ một sơ sót nhỏ có thể gây đến hậu quả khôn lường.

Khác với sự náo nhiệt thường ngày, không khí trong trạm gác những ngày đầu tháng Tư trầm lặng hơn vì ai cũng suy tư, lo lắng về tương lai. Có lẽ đây là suy nghĩ đại diện cho hơn 11.000 người lao động thuộc 20 doanh nghiệp thực hiện dịch vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, đảm bảo an toàn chạy tàu thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khi mà doanh nghiệp chưa được ký kết hợp đồng giao việc năm 2021.

Ngoài 50 tuổi, Nguyễn Thị Chính có thâm niên 25 năm làm công nhân gác chắn tàu tại trạm gác chắn Hoàng Liệt. Hơn 25 năm ròng rã, bất kể ngày hay đêm, nắng nóng hay mưa gió, chị luôn tận tuỵ với công việc. Nhưng đến nay, đã cận kề tuổi nghỉ hưu, nhưng lương của chị Chính cũng chỉ vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng/tháng. Chồng chị Chính cũng là bảo vệ cho một công ty đường sắt với mức lương tương tự. Với tổng thu nhập hơn 8 triệu của hai vợ chồng, dù cố gắng chi tiêu tiết kiệm để trang trải cuộc sống và lo cho hai con ăn học, nhưng vẫn thiếu thốn đủ đường.

Chị Chính đã gắn bó với công việc này được hơn 25 năm - Ảnh: Phạm Trọng Tùng

Tuy đồng lương ít ỏi, nhưng chị Chính cho hay nhận được đủ lương đã là may. Người phụ nữ này cho biết, mấy tháng gần đây chị vẫn nhận đủ lương do công ty thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng để trả lương cho công nhân. Chị kể, có những người bạn làm ở các công ty đường sắt khác không trụ nổi đã phải bỏ nghề vì bị nợ lương quá lâu.

Công việc chắn gác tàu đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao - Ảnh: Phạm Trọng Tùng

“Thông tin ngành đường sắt khó trụ đến hết tháng 4/2021 nếu tình trạng thiếu kinh phí kéo dài khiến anh em công nhân chúng tôi hoang mang, lo lắng vô cùng. Lương của công nhân tuy thấp nhưng ít nhất còn có đồng ra đồng vào, nếu đường sắt không trụ được tôi chỉ còn nước đi làm giúp việc vì độ tuổi của tôi tìm một công việc ổn định không phải dễ”, chị Chính chia sẻ.

Cùng chung nỗi suy tư về công việc, anh Phạm Văn Trường (SN 1986, quê Hải Dương) công nhân trạm gác chắn tàu hoả Hoàng Liệt cho biết, tuy công việc khá vất vả, đòi hỏi tính trách nhiệm cao nhưng mức lương mỗi tháng của anh so với mức sống tại Hà Nội. Số tiền lương hơn 4 triệu đồng hàng tháng của anh chỉ đủ trả tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, ngoài giờ anh phải làm thêm bên ngoài để gửi tiền về quê cho vợ nuôi con.

Lương thấp, anh Trường cho biết phải chạy xe ôm ngoài giờ để trang trải cuộc sống - Ảnh: Phạm Trọng Tùng

 

“Công việc của tôi làm theo ca, mỗi ca liên tục 12 giờ (từ 6-18h hoặc từ 18h-6h hôm sau - PV), làm việc 12 giờ thì nghỉ 24 giờ. Sau khi tan ca trực, tôi thường chạy xe ôm để kiếm thêm ít tiền để trang trải cuộc sống. Dù khó khăn chồng chất, nhưng tôi vẫn không muốn từ bỏ công việc đã gắn bó với mình trong suốt hơn 12 năm qua”, anh Trường tâm sự.

Doanh nghiệp đường sắt bị dồn vào thế “chân tường”

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc công ty CP Đường sắt Hà Hải cho biết, theo thông lệ tháng 1 hàng năm công ty sẽ ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) để nhận quản lý, duy tu hạ tầng và làm thủ tục ứng vốn. Tuy nhiên năm nay hợp đồng chưa được ký, công ty phải vay tiền ngân hàng để trả lương cho 950 lao động đang làm nhiệm vụ duy tu tuần đường, gác chắn.

Theo đó, mỗi tháng đơn vị này phải chi hơn 12 tỷ đồng trả tiền lương cho nhân viên và bảo hiểm xã hội.

“Từ đầu năm đến giờ, do nguồn thu không có nên đơn vị phải thế chấp tài sản, vay ngân hàng 21 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản vay này chỉ đủ chi trả lương cho nhân viên, bảo hiểm xã hội và công nợ từ năm trước chúng tôi đang phải tạm dừng thanh toán. Nếu tình trạng thiếu kinh phí vẫn kéo dài thì hết tháng 4/2021, đơn vị khó có thể cầm cự được”, ông Vượng cho hay.

Sở dĩ có tình trạng này do từ đầu năm 20 đơn vị bảo trì đường sắt trong cả nước đều không có nguồn thu để trả lương cho người lao động 4 tháng đầu năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động trong Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Cụ thể, năm 2021 VNR dự kiến được Nhà nước giao 2.800 tỷ đồng để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động, tương đương năm 2020. Tuy nhiên, do VNR đã chuyển sang Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, không còn là đơn vị trực thuộc bộ Giao thông Vận tải nên Bộ này không được giao vốn cho VNR như trước. Trong khi đó, hàng năm nguồn ngân sách bảo trì đường sắt vẫn do bộ Giao thông Vận tải phụ trách tiếp nhận, giao vốn và thanh quyết toán, chứ không được chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước.

Trao đổi với PV, ông Vũ Anh Minh Chủ tịch HĐTV tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến doanh thu của tổng công ty sụt giảm mạnh nên không có ngân sách cho các đơn vị vay. Vì vậy dẫn đến tình trạng các công ty con phải tự xoay sở bằng cách vay ngân hàng, thâm chí nhiều công ty phải cắm sổ đỏ để chi trả lương cho công nhân. Theo ông, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ đẩy 20 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích của ngành Đường sắt đến chân tường, khó có thể trụ vững hết tháng 4/2021.

Đây không phải lần đầu tiên VNR kêu cứu vì vướng mắc chậm được phân bố vốn bảo trì. Tháng 2.2020, lãnh đạo ngành đường sắt cho biết chưa nhận được dự toán, khiến hơn 11.000 người lao động không có tiền lương, dẫn đến nguy cơ phải dừng chạy tàu. Nguyên nhân cũng do vướng mắc là cơ chế giao dự toán bảo trì, thay vì giao thẳng cho VNR như trước đây, thì Bộ GTVT lại đặt hàng cho VNR thông qua Cục Đường sắt.