Sự kiện

Ngành du lịch mong chờ gì từ liên kết TP.HCM và các tỉnh Tây Bắc?

Với nhiều thỏa thuận hợp tác, TP.HCM và 8 tỉnh vùng Tây Bắc đang thể hiện quyết tâm hồi phục ngành du lịch bằng hàng loạt biện pháp kích cầu.

Ngày 14/11, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với UBND các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái tổ chức hội nghị Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020.

Với chủ đề “Liên kết phát triển bền vững”, hội nghị thống nhất phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền nhằm đưa du khách 8 tỉnh Tây Bắc đến TP.HCM và ngược lại.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng: “Liên kết là xu hướng tất yếu và cần thiết  trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia cũng như mỗi địa phương”.

Đặc biệt, việc liên kết giữa ngành du lịch TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng số du khách đến TP.HCM chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 81% so với cùng kỳ, trong khi tổng số du khách đến 8 tỉnh Tây Bắc chỉ đạt 7,6 triệu lượt, giảm 40% so với cùng kỳ. 

Con số này đã cho thấy tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch cho nên chính quyền địa phương cần phát huy vai trò trong sự phục hồi kinh tế bằng hành động cụ thể.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến tham dự hội nghị, nhấn mạnh về tính bền vững, hiệu quả trong kích cầu du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh vùng Tây Bắc. Ảnh: Phú Thọ.

Tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã ký kết thoả thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025.

Cùng với đó là kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch; ky kết thỏa thuận hợp tác giữa hiệp hội Du lịch các địa phương và các hãng hàng không.

Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch 9 tỉnh thành với các nội dung cụ thể, thiết thực, như chính sách giá ưu đãi dành cho đối tác trong liên kết, phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên đề đến các địa phương trong liên kết, hỗ trợ quảng bá sản phẩm lẫn nhau trên các kênh của doanh nghiệp...

Theo đó, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng vào các nội dung trọng tâm. Trước hết là có những giải  pháp sáng tạo, mạnh dạn để giúp doanh nghiệp  duy trì và phục hồi sớm.

Đó là liên kết hợp tác để tăng cường lượng khách hai chiều từ các tỉnh, thành; hình thành xu hướng người Việt  Nam du lịch Việt Nam và tăng cường hợp tác  đẩy mạnh các chương trình kích cầu du lịch.

Công tác quảng bá, truyền thông và xúc tiến phải đi vào cụ thể và có sản phẩm chung. Cần hình thành các sản phẩm truyền thông chung về du lịch của vùng.

Điển hình là TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức sự kiện du lịch mỗi tháng. Hội chợ du lịch quốc tế và Ngày hội du lịch sẽ là hai hoạt động hiệu quả cho hoạt động giao thương của các doanh nghiệp du lịch.

Bên cạnh đó, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc  điểm sinh hoạt, phong tục tập quán của từng địa phương để phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng thực hành nhằm đáp ứng nhu cầu  phát triển của ngành du lịch, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí và bảo tồn các nét đẹp văn hóa  của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn.