Tài chính - Ngân hàng

Ngân hàng từng gắn với tên tuổi bầu Kiên bất ngờ tăng 60% nợ xấu

Lãi trước thuế tăng 61% nhưng nợ xấu bất ngờ tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái, ngân hàng Á Châu đang phải gánh gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 của ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mới được công bố tiết lộ một vài chi tiết đáng lưu ý. Nếu chỉ nhìn con số doanh thu và lợi nhuận thì đây có vẻ là một quý kinh doanh đầy hứng khởi của ngân hàng. 

Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1%, đạt 324.311 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tuy giảm 0,3% xuống 352.217 tỷ đồng nhưng tổng thu nhập hoạt động trong quý I/2021 của ACB vẫn đạt 5.675 tỷ đồng, tăng 30% so với quý I/2020. 

Nhờ tiết giảm chi phí hoạt động khá mạnh (giảm 16,7%) xuống còn 1.965 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí cho nhân viên, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 4.639 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 69% đạt 625 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 37% đạt 196 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gần 8 lần, đạt 113 tỷ đồng.

Tuy vậy, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư chỉ đạt 49 tỷ, giảm 86% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động khác giảm 39% xuống 49 tỷ đồng.

Tổng kết quý 1/2021, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế đạt 3.104 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đáng lưu ý, chi phí dự phòng rủi ro của nhà băng này lại tăng đột biến trong quý đầu năm 2021, đạt 606 tỷ đồng, cao gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước.

Nguyên do là nợ xấu của ngân hàng ở mức 2.954 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cuối năm 2020. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh 94% lên 798 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 53% lên 1.858 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% hồi đầu năm lên 0,92% vào cuối tháng 3/2021.

Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của ACB đạt 449.515 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm. Song, tổng nợ phải trả đạt tới 411.585 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 409.081 tỷ đồng tại ngày 31/12/2020. Như vậy, tổng nợ phải trả chiếm tới 91,5% tổng tài sản của ngân hàng.

Trước đó, báo cáo năm 2020 của ACB đã ghi nhận thực trạng nợ xấu này. Cụ thể, quý 4/2020, lợi nhuận trước thuế của ACB tăng 63% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 3.200 tỷ đồng. Cả năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 9.596 tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm 2019. 

Tuy nhiên, thời điểm cuối năm ACB đã phải "gánh" khoản nợ xấu 1.840 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,6%. ACB đã phải trích 941 tỷ đồng cho chi phí dự phòng năm 2020, tăng tới 243% so với năm 2019. 

Ngân hàng ACB được biết đến là một trong những ngân hàng TMCP lớn, nếu so về quy mô tổng tài sản cũng như doanh thu và lợi nhuận. Nó cũng được biết đến nhiều hơn nhờ tên tuổi của bầu Kiên - ông Nguyễn Đức Kiên, "ông trùm ngân hàng" một thời, thành viên sáng lập ACB.

Đã 9 năm sau biến cố tại ngân hàng này vào năm 2012 khiến bầu Kiên lĩnh án tù 30 năm. Đến nay, ngoại trừ ông Kiên vẫn đang thụ án, một số người liên quan đã mãn hạn tù như ông Huỳnh Quang Tuấn - nguyên thành viên HĐQT ngân hàng ACB với án 2 năm tù và ông Trịnh Kim Quang với 4 năm tù, một số đã trở lại kinh doanh như ông Lý Xuân Hải, ông Phạm Trung Cang. 

Vài năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của ACB và cổ phiếu ngân hàng này khởi sắc trở lại sau khi "đế chế" nhà ông Trần Hùng Huy và cha đẻ ông Huy là nguyên Chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng nắm quyền. Sau sự cố, ông Trần Hùng Huy giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, trong khi đó ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy (mẹ ông Huy) là thành viên HĐQT.

M.Minh