Thế giới

Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse sẽ nhận được sự hỗ trợ chưa từng có

Cổ phiếu của Credit Suisse đã có thời điểm giảm tới 30% vào ngày 15/3, sau khi nhà đầu tư Ả Rập Xê-út tuyên bố không tăng thêm cổ phần tại ngân hàng này.

Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ hôm 15/3 cho biết, họ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ tài chính cho Credit Suisse sau khi cổ phiếu của ngân hàng cho vay lớn thứ hai của quốc gia này liên tục lao dốc.

Trong một tuyên bố chung với cơ quan quản lý thị trường tài chính Thụy Sĩ FINMA, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết Credit Suisse đáp ứng “các yêu cầu nghiêm ngặt về vốn và thanh khoản” đối với các ngân hàng quan trọng trong hệ thống tài chính.

Cổ phiếu của Credit Suisse đã có thời điểm giảm tới 30% vào ngày 15/3 trước khi kết phiên giao dịch ở mức 24%, gây ra tình trạng ngừng giao dịch khẩn cấp trên thị trường chứng khoán Thụy Sĩ.

Lý do cho sự sụt giảm này là tâm lý hoang mang của nhà đầu tư sau khi chủ tịch ngân hàng quốc gia Ả Rập Xê-út, người ủng hộ lớn nhất của Credit Suisse, khẳng định ông sẽ không mua thêm cổ phần của ngân hàng này “vì nhiều lý do”, bao gồm những hạn chế về pháp lý.

Tuyên bố của ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ được đưa ra sau khi chính phủ và ít nhất một ngân hàng gây áp lực buộc Thụy Sĩ phải hành động, vì Credit Suise bị cuốn vào cuộc khủng hoảng niềm tin sau vụ phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vào tuần trước.

Vụ phá sản của SVB đã khiến đã khiến cổ phiếu ngân hàng toàn cầu lao dốc. Ảnh: The Atlantic

Với hy vọng dập tắt những lo ngại, Finma và ngân hàng trung ương Thụy Sĩ cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy các tổ chức Thụy Sĩ bị ảnh hưởng trược tiếp bởi tình trạng hỗn loạn của thị trường ngân hàng Mỹ.

Credit Suisse cho biết họ hoan nghênh sự hỗ trợ từ ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ và Finma.

Credit Suisse sẽ là ngân hàng lớn đầu tiên trên toàn cầu nhận được sự hỗ trợ như vậy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mặc dù các ngân hàng trung ương đã mở rộng thanh khoản cho các ngân hàng trong những giai đoạn thị trường căng thẳng, ví dụ như trong đại dịch Covid-19.

Năm 2022, “Credit Suisse phá sản” trở thành tin đồn khắp toàn cầu sau khi gã khổng lồ ngành ngân hàng cho biết họ sẽ thay đổi trọng tâm kinh doanh và rút lui khỏi một số doanh nghiệp để giảm bớt rủi ro.

Ngân hàng 167 tuổi có trụ sở tại Zurich đã phải vật lộn với khủng hoảng trong vài tháng để tìm đường phục hồi.

Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách "Cha giàu, Cha nghèo" cũng dự đoán Credit Suisse sẽ là ngân hàng tiếp theo sụp đổ sau vụ SVB. Ảnh: Observer

Từng là một tay chơi lớn ở Phố Wall, Credit Suisse đã vướng phải một loạt sai lầm trong những năm qua, khiến danh tiếng của ngân hàng này bị tổn hại. Hôm 14/3, Credit Suisse cũng thừa nhận “những điểm yếu quan trọng” trong các biện pháp kiểm soát báo cáo tài chính của mình, khiến các nhà đầu tư và khách hàng mất niềm tin.   

Khoảng 123 tỷ franc Thụy Sĩ (133 tỷ USD) đã bị rút ra khỏi Credit Suisse vào năm 2022, chủ yếu trong quý IV. Cũng trong năm này ngân hàng đã báo cáo khoản lỗ ròng hàng năm gần 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD), mức lỗ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Những điều này, kết hợp bởi vụ phá sản ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2018 của SVB đã làm dấy lên mối lo ngại lớn hơn về sự ổn định của toàn bộ khu vực tài chính.

Tuy nhiên, SVB tập trung chủ yếu vào các công ty khởi nghiệp công nghệ. Nếu Credit Suisse phá sản, ngân hàng này có thể gây ra những tác động sâu rộng hơn do quy mô và mối liên hệ sâu sắc của nó với hệ thống ngân hàng, vì SVB tập trung chủ yếu vào các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Nguyễn Tuyết (Theo CNN, The National News, Daily Mail)