Môi trường

Ngân hàng khí hậu – Chìa khóa cho hành trình “Net Zero” của Việt Nam

Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi năng lượng vì mục tiêu phát triển bền vững, song quá trình này không dễ dàng vì nguồn kinh phí cần có là 15-30 tỷ USD mỗi năm.

Tuyên bố mang tính bước ngoặt của Chính phủ tại COP26 rằng Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 và loại bỏ dần điện than vào những năm 2040 vừa táo bạo vừa có tầm nhìn, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quỹ đạo phát triển của đất nước, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP nhận định.

Cam kết này đồng nghĩa với việc chính phủ Việt Nam ghi nhận những lợi ích kinh tế hữu hình từ việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, bà Khalidi phát biểu tại hội thảo “Tài chính cho phát triển – Vai trò của các định chế tài chính trong nước” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đồng tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội.

Thách thức lớn cho tăng trưởng

Một trong những lợi ích to lớn của năng lượng tái tạo (vừa sạch vừa không thể hư hại), là nó được sản xuất tại địa phương, do đó sẽ không phải chịu ảnh hưởng từ những cú sốc địa chính trị hay sự bấp bênh của các nguồn năng lượng nhập khẩu.

Mặc dù vậy, hành trình tiến về mức phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, đang đối mặt với vô vàn thách thức, một trong số đó là vấn đề tài chính. Bên cạnh đó, việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ sản xuất điện đến nông nghiệp, xây dựng, sản xuất, và vận tải.

Các ước tính thận trọng cho thấy Việt Nam sẽ cần phải huy động thêm từ 15 tỷ USD đến 30 tỷ USD mỗi năm để đạt được mục tiêu “Net Zero” và duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, bà Khalidi chia sẻ.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bộ KH&ĐT

Mặc dù năng lượng gió và năng lượng mặt trời có chi phí vận hành thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện than, nhưng lại đòi hỏi nhiều vốn hơn trong giai đoạn đầu tư ban đầu.

Các mạng lưới điện cần được nâng cấp để chuyển điện năng từ các khu vực dư thừa sang các khu vực thiếu hụt. Các phương pháp sản xuất công - nông nghiệp cần được hiện đại hóa. Ngoài ra, các hệ thống giao thông công cộng, phương tiện điện tử và trạm sạc, cũng như các thành phần khác của hệ sinh thái cũng cần được phát triển.

Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam hiện đang thảo luận với các quốc gia trên thế giới về các cơ chế tài chính khí hậu quốc tế khác nhau trong hỗ trợ chuyển dịch năng lượng, đại diện bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Yến, con số mà các quốc gia tài trợ cho Việt Nam sẽ chỉ là một phần nhỏ trong chặng đường tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch năng lượng.

“Chúng ta cần củng cố các định chế tài chính trong nước để đảm bảo tài chính cho doanh nghiệp, đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế xã hội, đầu tư vào các dự án giúp chuyển dịch năng lượng trong trung và dài hạn”, bà Yến khuyến nghị.

Bà Khalidi cũng cho rằng việc nâng cao năng lực huy động vốn dài hạn của các định chế tài chính trong nước là cốt lõi của quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Giải pháp chuyển dịch xanh và công bằng

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu từ Chương trình chung hỗ trợ Việt Nam xây dựng Khung Tài chính tích hợp (INFF), các nhà kinh tế từ UNCTAD và Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc Đại học London; và các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về tài chính khí hậu ở các bối cảnh phát triển khác nhau đã chia sẻ các tiền lệ trên toàn cầu và những đóng góp tiềm năng của ngân hàng phát triển cho chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Các đại biểu cũng đề xuất thành lập Ngân hàng Khí hậu Việt Nam để góp phần tài trợ năng lượng dài hạn thông qua cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng thương mại, tổ chức việc thực hiện tài chính có cấu trúc cho các dự án chậm triển khai, và thậm chí là mua cổ phần trong các dự án mang lại lợi ích xã hội quan trọng.

Khuyến nghị này được đưa ra dựa trên những nghiên cứu mà UNDP phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác như Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường hay Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) thực hiện nhằm giúp Việt Nam huy động nguồn lực và sử dụng các khoản đầu tư có hiệu quả, mang lại kết quả phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã nỗ lực kêu gọi nguồn vốn tư nhân để thực hiện quá trình chuyển đổi carbon trong thời gian qua. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, vì các tổ chức tài chính tư nhân đơn lẻ không có nguồn tín dụng dài hạn, Giáo sư Ulrich Volz từ trường SOAS, Đại học London chia sẻ.

Giáo sư Ulrich Volz, Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (SOAS), Đại học London. Ảnh: Bộ KH&ĐT

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập cũng khó tiếp cận được với nguồn vốn vay chi phí thấp. Bên cạnh đó, các tổ chức tư nhân cũng không sẵn sàng tài trợ cho các hoạt động với lợi nhuận không chắc chắn và không phục vụ cho mục đích thương mại.

Do đó, việc thành lập một ngân hàng thuộc sở hữu của Nhà nước với mục tiêu hành động vì khí hậu được cho là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chuyển dịch công bằng sang nền kinh tế carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngân hàng này có thể đóng vai trò là kênh khai thác vốn tư nhân, bao gồm vốn trong nước và các tổ chức tài chính phát triển quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh và công bằng tại Việt Nam.