Văn hoá

Ngắm sắc hoa trở thành hoài niệm ở vùng đất Tây Nguyên

Cuối thu, những cơn mưa rừng bắt đầu vắng bóng, hoa dã quỳ nở vàng nhuộm lên những ngọn đồi, trở thành kỷ niệm với nhiều người.

 

Dã quỳ được phân chia theo màu sắc, gồm 3 loại: Hoa dã quỳ vàng, hoa dã quỳ đỏ và hoa dã quỳ trắng. Trong đó, màu trắng và đỏ rất hiếm, loại hoa màu vàng lại phổ biến vô cùng và có mặt ở khắp mọi nơi.

Cây dã quỳ là loại cây thân bụi lâu năm hoặc một năm tùy theo từng điều kiện môi trường, với kích thước chiều cao của cây khoảng 2 – 3m. Thân dã quỳ mọc thẳng, khi non có màu xanh đậm, lúc trưởng thành sẽ hóa gỗ và có màu nâu xám.

Lá cây dã quỳ màu xanh đậm, thường mọc đơn lẻ nhưng cũng thỉnh thoảng mọc thành từng chùm. Hình dáng có nhiều nét tương đồng với lá cây hoa cúc. Phiến lá khá nhẵn, mặt dưới lá nổi gân và lá được bao phủ một lớp lông nhỏ xung quanh.

Hoa dã quỳ mọc đơn hoặc kết thành từng chùm. Hoa dã quỳ thường có 13 cánh, khi nở tỏa tròn với đường kính khoảng 8 – 10cm. Những cánh hoa mỏng, dài mang một màu vàng rực rỡ. Điểm đặc biệt là những bông dã quỳ mang nét đẹp kết hợp của cả hoa cúc vàng và hoa hướng dương.

Hoa dã quỳ thường nở vào cuối tháng 10 – đầu tháng 11. Đây là thời gian nở chung của loài hoa này và hoa thường nở rộ và đẹp nhất là tháng 11. Thời gian nở rộ của hoa khoảng từ 2 – 3 tuần. Vì thế, nên tranh thủ thời gian đi ngắm và lưu lại những bức hình đẹp trước khi hoa tàn.

Sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ được coi là dấu hiệu của mùa đông đang đến gần bởi vì chúng thường nở hoa vào đầu đông. Cây dã quỳ rất dễ mọc và phát triển rất nhanh ngay cả ở những nơi có điều kiện vô cùng khắc nghiệt như khi khô cằn hay đầy sỏi đá. Chính vì thế, những đóa hoa dã quỳ được xem là biểu tượng cho tình yêu mãnh liệt, chung thủy và sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. Dã quỳ còn có các tên gọi khác là (hoa sơn quỳ, cúc quỳ, quỳ dại, cúc Nitobe, hướng dương dại, hướng dương Mexico. Tên gọi khoa học của hoa là Tithonia Diversifolia, và thuộc họ cúc (Asteraceae). Hoa phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Vào thời kỳ trước, người Pháp đã đưa dã quỳ vào trồng ở tỉnh Lâm Đồng, từ đó hoa xuất hiện ở Việt Nam. Điều kiện môi trường ở Tp.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng rất thích hợp cho sự phát triển của dã quỳ và sau đó cây hoa được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành khác.

Hiện nay dã quỳ cũng như hoa mua, hoa sim hay những loài hoa dại khác đang dần bị thu hẹp bởi dân số phát triển cơ học. Con người sẽ khai phá đất hoang để trồng cà phê, trồng tiêu, trồng chè... những vạt rừng hoa dại nằm vắt ngang triền núi, sườn đồi sẽ không còn vàng rực hay tím rịm như xưa. Tuy nhiên, các biệt thự hay ven đường người dân vẫn cố giữ để mang bóng dáng Cao nguyên. Chúng ta chắc không ai vô tình trước vẻ đẹp tự nhiên của loài hoa đồng nội, vì nơi ấy, không những là hồn đất, mà còn là kỷ niệm của một đời người. Khi người ta yêu con đường mình đi, ngôi nhà mình ở, cái cây mình trồng và yêu cả cánh đồng thời thơ ấu…

Cây sò đo cam có nguồn gốc ở Châu Phi. Nó được du nhập và phân bố rộng rãi ở các vùng miền đất nước chúng ta. Hầu hết tập trung ở Tp. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Sò đo cam chúng là loài cây thân gỗ lớn và có thể cao tới 20m. Tên phổ thông: sò đo cam (có tên khác như sò đo, chuông đỏ, đỉnh phượng hoàng). Tên khoa học là: Spathodea campanulata, họ thực vật là: Bignoniaceae. Chúng có mặt tại các nước nhiệt đới Châu Phi.

Cây sò đo cam là mẫu cây thân gỗ lớn, thân thẳng và nhẵn, vỏ màu nâu xám, chúng có thể cao tới 20m, tùy vào độ phát triển. Cây phân cành nhánh cao, tán tập trung ở đình cành và xòe rộng sang nhiều phía tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Lá kép lông một lần, mọc đối trên cùng một cuống có lông. mỗi lá có khoảng 9-10 lá chét không có cuống, các lá chét cũng mọc đối xứng nhau. Hoa sò đo cam rất lớn, nó có dạng ống rộng hơi cong chia thùy, màu vàng đậm hay màu đỏ cam xếp gần nhau, mọc thẳng. Cụm hoa ngắn và dày, mọc ở đỉnh cành, hoa sau khi nở thì rất lâu mới tàn, quả đậu sau khi hoa tàn, quả nang đứng cao 20cm, rộng 3–5cm, nhẵn và chứa các hạt.

Đặc điểm sinh thái, sinh lý của cây sò đo cam là những lá cây sò đo phân tán hạt nhờ gió, mùa ra hoa và đậu quả là tháng 11 năm trước cho đến tháng tư năm sau. Là loài cây có hoa sặc sỡ, phù hợp với nhiều nước ở khu vực nhiệt đới, mọc tới độ cao khoảng 1.200m. Có tốc độ sinh trưởng siêu nhanh. Nó phát triển tốt nhất trên đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, nơi có nhiều ánh sáng, tưới nước điều độ, ít bị sâu bệnh phá hại, trồng được trên cả đất mặn và có khả năng chịu hạn ở mức trung bình. Với các đặc điểm sinh trưởng và phát triển khá nhanh, cho hoa rực rỡ, lâu tàn, tán lá xanh mát nên được trồng làm cây cảnh, cây bóng mát trồng trong công viên, vỉa hè đường phố, khu dân cư… Chúng không chỉ là cây trồng để lấy bóng mát, cho ra hoa đẹp, mà nó còn là một cây thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền.

Sò đo cam là loài cây chịu bóng, phát triển nhanh, hoa có màu sắc sặc sỡ, thích hợp với nhiều nước ở khu vực nhiệt đới, mọc tới độ cao khoảng 1.200m. Đây là loài xâm thực đã gây hại ở Hawaii, Fiji, Polynesia và Samoa…, nhưng chưa thấy tài liệu nào đề cập đến tác hại gây độc đối với con người của cây này. Với màu sắc sặc sỡ, phát triển nhanh nên cây này đã được trồng nhiều trên các đường phố, công viên, khuôn viên cơ quan, trường học tại Tp. Đà Lạt, Tp. Bảo Lộc và các huyện Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Đạ Tẻh, Đạ Huoai.

Tỉnh Gia Lai vài năm trở lại đây, loài cây này đã và đang có mặt ở hai bên vỉa hè, ngay cả trong khuôn viên một số cơ quan và hộ gia đình trong nhiều huyện, thị và thành phố. Trên hầu hết các tuyến đường QL như 19, 14, 25… chạy qua các huyện An Khê, Mang Yang, Đăk Đoa, Tp.Pleiku… đều có sắc đỏ của loài hoa này.