Sự kiện

Ngắm nhìn cây cầu Vĩnh Tuy sắp được "nhân bản"

Theo báo cáo mới nhất của Thành phố, Hà Nội sẽ tiến hành xây dựng cầu Vĩnh Tuy mới (giai đoạn 2) để hoàn thiện cầu Vĩnh Tuy theo đúng thiết kế quy hoạch trước đó mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 được chính thức khánh thành vào năm 2010.

Video: 

Cầu Vĩnh Tuy với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng cây cầu có chiều dài gần 15km, phần cầu qua sông gần 3,7 km, có 2 làn xe cơ giới, mặt cắt ngang cầu rộng 19,25 m (giai đoạn I) được chính thức khánh thành vào tháng 9/2010.

Đây là 1 trong 6 cây cầu vượt sông Hồng hiện tại, là một trong những công trình giao thông trọng điểm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Từng là cây cầu rộng nhất Việt Nam (rộng 38m) trước khi bị cây cầu Đông Trù khánh thành vào 09/10/2014 soán ngôi.

Đây là cây cầu huyết mạch nằm trên trục vành đai 2, nối trung tâm thủ đô với quận Long Biên, huyện Gia Lâm và quốc lộ 5 đi các tỉnh phía Bắc. Sau nhiều năm xây dựng, cây cầu này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, ùn ứ vào những giờ cao điểm.

Mới đây theo báo cáo của Thành Phố, Hà Nội sẽ tiến hành làm cầu Vĩnh Tuy mới với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.

Cây cầu Vĩnh Tuy mới sẽ được đặt kế bên cầu cũ và có thiết kế tương tự cầu hiện tại với chiều rộng hơn 19 m, 4 làn xe, trong đó có 2 làn xe cơ giới, một làn xe buýt, một làn tổng hợp và dải đi bộ. Cầu mới sẽ cách cầu cũ 2 m, việc xây dựng dự kiến từ cuối năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022.

Tuy nhiên, việc xây dựng cầu mới chỉ là hoàn thiện cầu Vĩnh Tuy theo đúng thiết kế quy hoạch trước đó bởi vì do thiếu vốn nên năm 2009 Hà Nội mới khánh thành giai đoạn 1 với mặt cầu rộng 19m với kinh phí gần 3.600 tỷ đồng.

Công trình sẽ hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2 và tăng cường kết nối 2 bên bờ sông Hồng, tạo tiền đề hình thành chuỗi đô thị phía bắc Hà Nội.

Về phương án tổ chức giao thông, cầu Vĩnh Tuy mới sẽ đảm nhiệm chiều đường từ bờ nam (quận Hai Bà Trưng) sang bờ bắc (quận Long Biên) với 4 làn xe, gồm 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, một làn hỗn hợp và dải đi bộ. Như vậy, toàn bộ phần cầu cũ sẽ chuyển thành đường 1 chiều từ Long Biên vào trung tâm thành phố.

Theo UBND TP.Hà Nội, 2 bên bờ sông đều có sẵn phần đường dẫn nối lên cầu (xây chờ từ giai đoạn 1) nên dự án không cần giải phóng mặt bằng.