Văn hoá

Ngắm nhà cổ của tri huyện Phạm Văn Huynh, nghe kể chuyện "nhà giàu" một thuở

Để cai quản huyện Gò Đen lâu dài, tri huyện Phạm Văn Huynh mua lại ngôi nhà đang xây dở của một tay nhà giàu nức tiếng, rồi thuê thợ làm nhà trong vòng 5 năm. Đương thời, điền sản ở vùng Gò Đen của tri huyện này được họa bằng một bức bằng khoán lớn cỡ tấm ván ngựa.

Clip: Độc đáo nhà cổ của tri huyện Phạm Văn Huynh ở phía Nam Sài thành.

Nhà cổ của tri huyện Phạm Văn Huynh (tri huyện huyện Gò Đen ngày trước) tọa lạc tại 107A/4, ấp 1, xã An Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM được khởi công xây dựng vào năm 1885 và hoàn thành vào năm 1900.

Từ ngày xây dựng đến nay khoảng 112 năm, ngôi nhà trải qua 4 lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn đảm bảo khá nguyên vẹn nét kiến trúc ban đầu.

Ngôi nhà cổ độc đáo ở huyện Bình Chánh, TP.HCM do tri huyện Phạm Văn Huynh xây dựng.

Nhà cổ được thiết kế ở vị trí trung tâm của khu vực sân vườn với nhiều cây cối tạo không gian mát mẻ, thoáng đãng. Kiến trúc của ngôi nhà theo lối nhà cổ 3 gian, 2 chái lợp ngói âm dương, phía trước nhà là khung cảnh trang nghiêm, cổ kính của miếu thờ thiên, miếu thờ ngũ hành nương nương.

Chất liệu gỗ được sử dụng phần lớn trong các kiến trúc trang trí trong nhà, một số họa tiết trang trí ở nhà cổ có sự kết hợp giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây.

Các hiện vật được bày trí hài hòa với không gian nhà cổ, cách bố trí không gian nội thất với bàn thờ gia tiên ở vị trí trang trọng, các bàn thờ vọng, bàn tiếp khách, nơi nghỉ của người đàn ông tại phần trước nhà; buồng ở của người phụ nữ, nhà bếp ở phía sau phản ánh nét văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ.

Ông Huỳnh Kim Phú (SN 1959, ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh), cháu cố đời thứ 4 của tri huyện Phạm Văn Huynh, đang trông coi ngôi nhà cổ của dòng họ.

Ông Huỳnh Kim Phú chia sẻ về nguồn gốc ngôi nhà cổ của dòng họ.

Trò chuyện về ngôi nhà, ông Phú cho biết: “Nhà cổ của gia đình đã được xếp hạng Di tích cấp thành phố năm 2014. Ông cố của tôi là Phạm Văn Huynh, tri huyện Gò Đen, tỉnh Chợ Lớn, còn gọi là Huyện Huynh. Ông có gốc gác ở vùng An Bình thuộc quận 5, TP.HCM ngày nay. Vốn sinh ra trong gia đình giàu có, ông được cha mẹ cho học hành ở Pháp".

"Khi du học về, ông được bổ nhiệm làm tri huyện huyện Gò Đen. Huyện Gò Đen là vùng đất rộng lớn, kéo dài từ quận Bình Tân, TP.HCM ngày nay về vùng Bến Lức, tỉnh Long An ngày nay. Quyền hạn của ông rất lớn dù dân số của khu vực ông quản lý còn thưa thớt”, ông Phú cho biết thêm.

Cũng theo ông Phú, để thuận tiện trong việc cai quản vùng đất được giao phó, huyện Huynh liền nghĩ đến việc mua nhà để định cư. Trùng hợp, khi về An Phú Tây, ông được một người giàu có kêu bán ngôi nhà khang trang đang xây dở dang. Bởi, người chủ cũ ăn chơi trác táng nên không còn tiền hoàn công ngôi nhà. Ông Huynh liền bỏ ra một số tiền rất lớn để mua nhà vào năm 1895.

Vật liệu xây dựng và vật dụng trong nhà cổ đều quý giá và đắt tiền.

Do ngôi nhà chưa được xây dựng xong nên ông Huynh giữ nguyên cánh thợ xây dựng từ miền Trung vào để tiếp tục làm nhà. Tường nhà được làm bằng vôi trộn với mật mía đường, cát, sử dụng gạch thẻ lá bài thời Pháp thuộc loại tốt nhất thời điểm đó.

“Không chỉ mua ngôi nhà, ông cố còn mua hết vùng đất rộng lớn bao quanh. Lấy ngôi nhà làm tâm thì bán kính của khu đất phải hơn 1km. Bằng khoán của toàn bộ điền sản ở An Phú Tây thuộc sở hữu của huyện Huynh phải vẽ bằng miếng giấy lớn cỡ tấm ván ngựa. Huyện Gò Đen rất rộng lớn nên người phụ trách quản lý địa bàn cũng rất được coi trọng”, ông Phú cho biết.

Đâu chỉ nhà đất ở An Phú Tây, ông huyện Huynh còn sở hữu đất đai bạt ngàn ở các vùng lân cận. Ruộng đất của tri huyện nhiều đến nỗi người dân thời đó thường dùng cụm từ “ruộng tư bề” khi nhắc đến. Mỗi lần ông bà huyện đi tuần lúa ban đêm, coi lúa sắp chín để cho người ta cắt là phải đi bằng ngựa.

“Nghe má tôi kể, Tết tới, ông cố mướn người ta lấy bao bố lao mấy cây cột, nhà cửa cho đến khi bóng lưỡng. Giàn cột được giăng xá kỷ (nền dải lụa đỏ dài được thắt lại như hoa đang nở - PV) thật xa hoa. Hoa chưng đầy đủ trên bàn thờ”, ông Phú chia sẻ.

Hàng chục lu chứa nước của người giàu xưa vẫn còn được con cháu gìn giữ.

Lúc còn làm quan, nhờ vào điền sản rộng lớn, ông huyện Huynh dư dả tiền bạc nên thường đi du lịch ở Ma Cau, Hong Kong… Ông cũng chịu chi xài lớn, ăn uống xa xỉ.

Tuy nhà có điều kiện nhưng ông Phạm Văn Huynh không tậu xe hơi như các nhà giàu khác. Ông thích sống ở ngôi nhà cổ bên trong vườn, không ở cạnh mé lộ (đường – PV) lớn. Ngôi nhà gần bến sông để tôi tớ tiện bề lấy ghe đi chợ, hay tá điền chở lúa đến đong, chở vật liệu xây dựng nhà.

Phía trước nhà của huyện Huynh là đường ray xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho. Hễ ông muốn về Sài Gòn chỉ việc ra ga Bình Điền và lên tàu lửa.

Những mái nhà ngói cổ đã cũ nhưng lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử.

Trước làn sóng đô thị hóa, nhà cổ rơi vào quy hoạch, nhiều người đến hỏi mua sườn nhà cổ, đem đi với giá cao nhưng gia đình ông Phú không đồng ý. Bởi, mái nhà không chỉ là nơi tránh mưa tránh nắng mà còn lưu giữ gia phong của dòng tộc. Mỗi năm đến ngày giỗ kỵ của ông bà, con cháu khắp nơi tề tụ về rất nhộn nhịp.

Thỉnh thoảng, các đoàn phim dựa theo tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có đến nhà cổ của huyện Huynh để xin tái dựng lại bối cảnh xưa cũ, ông Phú đều vui vẻ đồng ý. Với ông, nhà cổ không phải của riêng mà còn là giá trị văn hóa lịch sử cần được lan tỏa.