Tiêu dùng & Dư luận

"Ngậm ngùi" nhìn 15 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam

Mới đây, Việt Nam đã tổ chức đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu tại tỉnh Quảng Ninh - đây được coi là dấu mốc lớn cho ngành du lịch nước nhà. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực thì chúng ta còn phải ngậm ngùi.

Chưa chịu móc hầu bao

Cụ thể, theo báo cáo, năm 2018, ngành du lịch đã đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế đến, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 27,5 tỷ USD). 

Nhưng có một thông tin mà ít ai biết, đó là tài nguyên du lịch của Việt Nam đứng thứ 24 trên thế giới.

Tại diễn đàn cao cấp du lịch Việt Nam được tổ chức mới đây, ông John Lindquist, thành viên hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh cho biết: “Con số khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn ít so với các nước trong khu vực và doanh thu từ khách quốc tế chưa cao”.

Thị trường khách Tây Âu có chiều hướng đi xuống.

Trước đó, năm 2017, Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế và thu về 8,3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm 2017, khách quốc tế đến Singapore đạt 17 triệu lượt với doanh thu là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 35 triệu lượt đạt doanh thu khổng lồ, 57 tỷ USD, còn Indonesia là 14 triệu lượt khách đến cũng đạt doanh thu 12 tỷ USD.

Không chỉ lượng khách ít hơn so với các nước trong khu vực… mà khả năng chi tiêu của khách trong mỗi chuyến lưu trú tại Việt Nam cũng ít hơn. Cũng theo ông John Lindquist, mỗi chuyến đi, khách đến Việt Nam chi tiêu trung bình khoảng 900 USD nhưng mức chi tiêu của khách tại Indonesia là 1.100 USD, Singapore là 1.105 USD và tại Thái Lan là 1.565 USD.

Thị trường khách Trung Quốc tăng rất tốt nhưng lại không có khả năng chi tiêu cao.

Trong khi đó, thời gian lưu trú tại các quốc gia là tương đương nhau. Khách đến Việt Nam trung bình lưu trú 9,5 ngày, trong khi ở Thái Lan là 9,6 ngày. Số lượng ngày không chênh lệch nhiều nhưng số chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96USD/ngày còn ở Thái Lan là 163USD/ngày, tại Indonesia là 130USD/ngày và Singapore là 325USD/ngày.

Còn nói về thu hút khách đến theo số lượng, Thái Lan đang là hình mẫu. Lượng khách du lịch quốc tế đến nước này trong năm 2017 đạt 35 triệu lượt. Dự báo ngành du lịch nước này sẽ đón 40 triệu lượt khách trong năm 2019 và đạt doanh thu 3.400 tỷ baht, tăng 10% so với năm 2018 (1USD = 32,6 baht).

Tiền không chảy về ngân sách

Về số lượng khách quốc tế đến, chỉ riêng tại TP.HCM đã đón 7 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2018. Đầu phía Bắc, Quảng Ninh cũng đón 6 triệu lượt khách quốc tế (8 triệu lượt khách nội địa). Khách đến đông (tính theo lượt), nếu cộng dồn các tỉnh thì đã vượt xa 15 triệu lượt. Ngoài 2 địa phương trên, Hà Nội cũng gần 6 triệu lượt, chưa kể hàng loạt địa phương khác cũng vài ba triệu như Khánh Hoà, Lâm Đồng, Kiên Giang… nhưng ngày càng chi tiêu ít đi.

Cách đây không lâu, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc sở Du lịch TP.HCM thừa nhận: “Có vẻ như du khách đang tiêu tiền ít đi hoặc có những kênh buôn bán khác đang diễn ra nhưng lại không đem lại thu nhập cho thành phố”.

Khách đến đông...

“Một trong những nguyên nhân lớn nhất hiện nay là xu hướng khách đặt tour, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn thông qua các trang đặt phòng trực tuyến của các đơn vị nước ngoài, khiến doanh nghiệp dịch vụ trong nước và doanh nghiệp lữ hành thất thu lớn”, ông Vũ cho biết thêm.

Các doanh nghiệp trong nước cũng cho rằng, phải xem xét mức độ thẩm thấu của ngành du lịch vào nền kinh tế được bao nhiêu. “Bởi, hiện nay, thị trường khu vực Đông Bắc Á, có khách đến Việt Nam nhiều nhất thường tổ chức khép kín, các đơn vị Việt Nam không tham gia được vào trong các chuỗi cung ứng về dịch vụ du lịch. Điều này chúng ta có thể hình dung về FDI du lịch mà địa phương không thu được gì cả, chỉ bán nhân công rẻ mạt”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Kỳ, FDI du lịch là vấn đề cần phải được quan tâm. “Kinh nghiệm ở các ngành kinh tế khác đã thấy rõ điều này. Trong khi các doanh nghiệp FDI khi đưa khách vào Việt Nam vẫn đang tổ chức khép kín, thậm chí đến cả như hướng dẫn viên cũng không được tham gia, nhà hàng, mua sắm cũng không được vào…. Do đó, phải cải thiện vấn đề này”, ông Kỳ nói.

... nhưng được tổ chức khép kín, kể cả hướng dẫn viên... cũng là người nước ngoài.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang bị lệch pha về thị trường. “Trong khi thị trường khách Tây Âu có chiều hướng đi xuống, thị trường khách Trung Quốc tăng rất tốt (năm 2018 có gần 5 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam) nhưng lại không có khả năng chi tiêu cao (khoảng 130USD/ngày). Bởi thị trường này chủ yếu được kết nối thông qua các charter (thuê bao nguyên chuyến) theo mùa”, ông Kỳ cho biết thêm.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần phải cần chú ý, đặc biệt phải chuẩn bị kịch bản cho thị trường Trung Quốc trong trường hợp bị giảm sút. Đồng thời, phải có cái để bán và có chỗ cho khách tiêu tiền.

“Việt Nam phải có những sản phẩm – dịch vụ du lịch chất lượng cao để tăng khả năng chi tiêu của du khách. Có cần phải chú trọng tới số lượng khách nữa hay không là vấn đề cần bàn nhưng trước mắt phải quan tâm tới chất lượng nguồn khách để phát triển bền vững”, TS Nguyễn Trọng Khôi, ĐH Quốc gia TP.HCM khuyến nghị.

“Lượng khách đến tăng nhưng đóng góp được bao nhiêu phần trăm và hiệu quả để lại cho nền kinh tế mới là quyết định. Đã đến lúc chúng ta phải tính toán đến chỉ tiêu này. Chạy theo con số thì được rồi nhưng cần phải chú trọng tới chất lượng nguồn khách và chi tiêu của khách”, ông Kỳ cũng khuyến nghị.