Thế giới

Nga, Trung Quốc cùng rót tiền vào “vàng trắng” ở một quốc gia Nam Mỹ

Trung Quốc và Nga sẽ đầu tư 1,4 tỷ USD vào các dự án lithium ở Bolivia, một quốc gia Nam Mỹ có trữ lượng lớn kim loại quan trọng cho pin xe điện.

Chính phủ Bolivia cho biết, Tập đoàn khai khoáng quốc doanh Yacimientos de Litio Bolivianos (YLB) vừa ký các thỏa thuận về lithium với Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom của Nga và Tập đoàn Citic Guoan của Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ có nhu cầu phát triển nguồn tài nguyên “vàng trắng” khổng lồ nhưng phần lớn chưa được khai thác của mình.

Dự kiến tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, theo sau một thỏa thuận tương tự hồi tháng 1 với nhà sản xuất pin khổng lồ của Trung Quốc CATL, một chiến thắng tiềm năng khác cho Bắc Kinh trong nỗ lực củng cố nguồn cung lithium cho sản xuất pin xe điện.

“Với những thỏa thuận này, đất nước chúng ta sẽ có thể sản xuất khoảng 100.000 tấn lithium carbonate vào năm 2025 tại các đồng muối Uyuni, Coipasa và Pasto Grandes”, Bộ trưởng Hydrocacbon và Năng lượng Bolivia Franklin Molina cho biết tại một sự kiện ở La Paz hôm 29/6.

Những cánh đồng muối nổi tiếng của Bolivia là nơi có nguồn lithium lớn nhất thế giới với 21 triệu tấn, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. Mặc dù có trữ lượng khổng lồ, nhưng Bolivia đã phải vật lộn để khai thác lithium, một phần do địa lý, căng thẳng chính trị và thiếu bí quyết kỹ thuật.

Lễ ký kết thỏa thuận về lithium giữa đại diện của Yacimientos de Litio Bolivianos (YLB) và Rosatom của Nga ở La Paz, Bolivia, ngày 29/6/2023. Ảnh: AFP

Khi thế giới chuyển hướng sang năng lượng sạch hơn, lithium đã trở nên quan trọng hơn do được sử dụng trong pin lithium-ion có thể sạc lại cho xe cộ và trong các hệ thống lưu trữ năng lượng tái tạo.

Các chính phủ, các công ty khai thác mỏ, các thị trường pin và các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới từ Tesla đến BMW đang cạnh tranh gay gắt để đảm bảo nguồn cung loại kim loại cần thiết cho nhiều loại pin được sử dụng để cung cấp năng lượng cho xe điện, hướng đến một tương lai điện khí hóa.

Bộ trưởng Molina cho biết các khoản đầu tư mới nhất sẽ cho phép xây dựng 2 nhà máy chế biến chiết xuất lithium trực tiếp (DLE) tại các thị trấn Pasto Grande và Uyuni Norte, nơi sẽ sản xuất ít nhất 45.000 tấn lithium carbonate mỗi năm. Việc xây dựng 2 nhà máy này sẽ bắt đầu trong 3 tháng tới.

Tập đoàn Rosatom của Nga, công ty đấu thầu thông qua đơn vị Uranium One Group, đã xác nhận thông tin này, cho biết họ sẽ đầu tư 578 triệu USD vào dự án - liên doanh lithium quy mô lớn đầu tiên ở nước ngoài của Tập đoàn, với công suất dự kiến 25.000 tấn lithium carbonate/năm.

Thỏa thuận với công ty Nga là để nghiên cứu tính khả thi và chuẩn bị đầu tư, ông Molina nói, cho biết thêm rằng nhiều thử nghiệm với công nghệ của Nga trên các bãi muối đã cho thấy tỉ lệ thu hồi lithium trên 80%, với độ tinh khiết khoảng 99,5%.

Còn Citic Guoan của Trung Quốc, theo ông Molina, sẽ đầu tư 857 triệu USD và cũng sẽ “xem xét đầu tư vào các nhà máy sản xuất pin và lắp đặt, có thể cùng với các nghiên cứu kỹ thuật, của một nhà máy lắp ráp xe điện để tạo ra một cuộc cách mạng vận tải điện thực sự”.

Cùng với Bolivia, các nước láng giềng Chile và Argentina tạo nên “tam giác lithium”, nơi có trữ lượng kim loại lớn nhất thế giới. Chile và Argentina tiên tiến hơn nhiều trong sản xuất, với các dự án thường mất nhiều năm để đạt được kết quả.

Minh Đức (Theo Today Online, Buenos Aires Times)