Tiêu điểm thế giới

Nga trao S-400 cho Ấn Độ: Mỹ-Trung Quốc "ngậm bồ hòn làm ngọt"

Trong khi Mỹ muốn gần gũi hơn với Ấn Độ, người Trung Quốc muốn tìm kiếm sự khăng khít với người Nga, thì ngược lại Ấn Độ và Nga lại đến với nhau.

Ấn Độ đi theo định hướng ngoại giao đa phương và không muốn trỗi dậy như một quốc gia bá quyền.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm hai ngày đến Ấn Độ với các thỏa thuận về quốc phòng, thương mại và công nghệ vũ trụ nằm trong chương trình nghị sự, cùng với các cuộc thảo luận về tình hình Afghanistan. Nhưng kết quả quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh này lại là hợp đồng mua hệ thống tên lửa Triumf S-400 của Ấn Độ từ Nga, theo SCMP..

Trong năm 2016, Moscow đã ký một thỏa thuận cho phép Ấn Độ mua 5 hệ thống S-400 với giá 5,8 tỷ USD. Thỏa thuận này đã khiến Mỹ phải cau mày, đưa ra lời kiến nghị Ấn Độ nên dừng lại. Trong lý do của mình, Mỹ tin rằng S-400 có thể là công cụ để tiếp cận các công nghệ quân sự nhạy cảm, làm lộ bí mật vũ khí nước này.

Tháng 7 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua Chống đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA) – nhằm chống lại các quốc gia mua thiết bị phòng thủ từ một số công ty ở Nga, Iran và Triều Tiên. Trong số đó có nhà thầu quốc phòng Almaz-Antey - nhà sản xuất S-400 của Nga.

Tuy nhiên, một sửa đổi sau đó đã cho phép Tổng thống cấp quyền miễn trừ đối với từng trường hợp cụ thể. Trong lập luận mua hàng của mình, Ấn Độ nhấn mạnh 3 điểm: Không sử dụng vũ khí chống Mỹ; sự thiếu vắng S-400 sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng quân sự của nước này và khẳng định rằng họ đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Nga, theo tờ The Hindu.

"Thỏa thuận tên lửa S-400 là một thông điệp từ Ấn Độ gửi đến Mỹ với nội dung: COMCASA và các hiệp định quân sự khác với Washington không đi đôi với việc họ sẽ từ bỏ Nga - một trong những đồng minh lâu đời nhất", Suhasini Haidar, cây bút chuyên về các vấn đề ngoại giao của tờ The Hindu cho biết.

Mỹ-Trung “căng mắt” dõi theo bước đi của Nga-Ấn

Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Ấn Độ trong hai ngày 4-5/10 đã được theo dõi chặt chẽ không chỉ bởi Washington mà còn là cả Bắc Kinh, tờ SCMP nhận định. Chuyến đi của ông chủ Điện Kremlin cũng đến vào thời điểm Nga và Trung Quốc đang tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa hai nước.

Vào tháng 9, Nga đã tiến hành Vostok 18, cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh ở vùng biên giới phía Đông. Moscow cũng mời Trung Quốc và Mông Cổ tham gia vào các bài diễn tập như một động thái cho thấy sự coi trọng đối với cường quốc châu Á.

Trong quý đầu tiên của năm 2018, lưu lượng thương mại giữa Ấn Độ và Nga đã tăng 30%. Mối quan hệ giữa hai nước dựa trên một chương trình nghị sự chung nhằm  giảm ảnh hưởng của Mỹ trong vai trò quyền lực dẫn đầu thế giới.

Trong khi về phần mình, để tiếp tục củng cố vị trí của mình trên đấu trường toàn cầu, Mỹ lại càng muốn thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ.

S-400 là điều mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không thích.

"Sự xuất hiện của Ấn Độ đang là sự chen ngang giữa quan hệ Nga và Trung Quốc", theo Nandan Unnikrishnan, chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu Observer có trụ sở tại New Delhi, nêu quan điểm. "Sẽ có một tác động đến mối quan hệ Ấn-Nga không chỉ vì sự gần gũi ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc mà còn vì mối quan hệ Ấn-Mỹ".

Vào tháng 3, Mỹ chính thức đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nhấn mạnh rằng tên gọi này phù hợp với trọng tâm chiến lược của Mỹ, bao trùm cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - “từ Hollywood đến Bollywood”.

“Trung Quốc đặc biệt không hề vui mừng trước sự thay đổi tên gọi như vậy vì nó mang lại sự nổi bật cho Ấn Độ”, Ashok Sajjanhar, Chủ tịch viện Nghiên cứu Toàn cầu và là một nhà cựu ngoại giao Ấn Độ cho biết.

Nga cũng ủng hộ việc sử dụng thuật ngữ châu Á-Thái Bình Dương mà theo nhà nghiên cứu Unnikrishnan, đây là một khái niệm “tươi trẻ hơn” và là "một nỗ lực để quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc ở vùng biển Ấn Độ Dương" trên cấp độ địa chính trị.

Tuy nhiên, các tuyên bố gần đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương đã cho thấy nước này không hề muốn được coi là thành viên chiến lược trong một nhóm hoặc của một quốc gia cụ thể.

"10 quốc gia Đông Nam Á có sự gắn kết bởi hai đại dương trong cả ý nghĩa địa lý và văn minh", ông nói tại hội nghị quốc phòng Đối thoại Shangri-La vào tháng 6 năm nay. "Vì vậy, tính bao hàm, cởi mở, vị trí trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN mới là vai trò trung tâm của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới".

Chính sách cân bằng không chỉ giới hạn đối với Trung Quốc và Nga. "Ở Tây Á, chúng tôi có quan hệ tốt với Israel và Saudi Arabia, UAE và Iran", nhà cựu ngoại giao Sajjanhar nói thêm. "Vì vậy, trong một thế giới đa cực, chúng ta cần đi theo một chính sách đa hướng hơn là một chính sách không liên kết".

Các cuộc họp giữa Thủ tướng Modi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Vũ Hán, với Tổng thống Putin ở Sochi, hay tham gia vào cuộc đối thoại 2 + 2 với Mỹ, và thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga là biểu tượng của tính đa cực này.

Tuy nhiên, Ấn Độ có xu hướng dựa vào chiều sâu của mối quan hệ với Nga để tạo cho họ không gian chiến lược đàm phán với các cường quốc khác trong thời gian dài. Mối quan hệ quân sự giữa hai nước đã trở lại vào giữa những năm 1960, khi Liên Xô cũ cung cấp trực thăng MiG 21 cho Ấn Độ, ngay sau cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962.

“Ấn Độ có lợi cho một thế giới đa cực và không muốn trở thành một quốc gia bá quyền. Nga cũng có suy nghĩ tương tự. Vì vậy, nếu cả hai nước có thể xây dựng trên cơ sở đó để giúp đỡ lẫn nhau tốt hơn”, Unnikrishnan của Quỹ nghiên cứu Observer nói thêm.