Thế giới

Nga thừa nhận những thiệt hại đáng kể ở Ukraine

Trong lần cập nhật con số thương vong gần nhất, Nga cho biết, 1.351 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và 3.825 binh sĩ khác bị thương kể từ đầu chiến dịch ở Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Sky News của Anh hôm 7/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận rằng Nga đã phải chịu những tổn thất đáng kể ở Ukraine.

"Chúng tôi có những tổn thất quân đội đáng kể và đó là một thảm kịch lớn đối với chúng tôi", ông Peskov cho biết, nhưng không đưa ra con số.

Hồi cuối tháng 3, Nga cho biết, 1.351 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và 3.825 binh sĩ khác bị thương kể từ đầu chiến dịch ở Ukraine.

Tuy nhiên, NATO đã đưa ra ước tính thương vong cao hơn nhiều cho Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng bác bỏ cáo buộc về cái gọi là “vụ thảm sát ở thị trấn Bucha”, coi đó là "lời bóng gió được dàn dựng kỹ lưỡng".

Ông Peskov cũng tiếp tục từ chối sử dụng các từ như “chiến tranh” và “xâm lược”, coi cuộc xung đột là một "chiến dịch quân sự đặc biệt." Tuy nhiên, ông thừa nhận "đó là một chiến dịch rất nghiêm trọng với hậu quả khá nặng nề" khi được yêu cầu đi sâu hơn vào vấn đề này.

Nga tuyên bố kết thúc sớm nhiệm kỳ tại cơ quan nhân quyền LHQ

Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA), cơ quan gồm 193 thành viên ở New York, hôm 7/4 đã thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Nghị quyết trên được thông qua với 93 phiếu ủng hộ. Có 24 quốc gia bỏ phiếu chống và 58 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) ngày 7/4/2022 thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: Al Jazeera

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Phó đại diện thường trực của Nga tại LHQ Gennady Kuzmin mô tả động thái này là một "bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị", và sau đó tuyên bố rằng Nga đã quyết định sớm kết thúc nhiệm kỳ trong Hội đồng Nhân quyền.

"Quý vị không thể nộp đơn từ chức sau khi đã bị sa thải", Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya nói với các phóng viên.

Nga đang ở năm thứ hai trong nhiệm kỳ 3 năm tại cơ quan nhân quyền gồm 47 thành viên có trụ sở tại Geneva.

Hội đồng Nhân quyền không thể đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các quyết định của cơ quan này gửi đi các thông điệp chính trị quan trọng và có thể cho phép mở các cuộc điều tra. Tháng trước, Hội đồng đã mở một cuộc điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm cả tội ác chiến tranh, ở Ukraine.

Nghị quyết hôm 7/4 là nghị quyết thứ ba được Đại hội đồng 193 thành viên thông qua kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng Ukraine vào ngày 24/2. Hai nghị quyết trước đó của UNGA đã được thông qua với 141 và 140 phiếu ủng hộ.

Sau khi bỏ phiếu trắng trong 2 cuộc bỏ phiếu trước đó của UNGA, Trung Quốc đã bỏ phiếu phản đối nghị quyết hôm 7/4.

Thêm vũ khí phòng không từ Mỹ và đồng minh đã đến tay người Ukraine

Ukraine đã nhận được khoảng 25.000 hệ thống vũ khí phòng không từ Mỹ và các đồng minh, giúp Kiev ngăn chặn Nga thiết lập ưu thế trên không nhằm hỗ trợ cho hoạt động trên mặt đất của quân Nga, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS) Mark Milley cho biết hôm 7/4.

Mỹ và các đồng minh cũng đã cung cấp cho Ukraine 60.000 hệ thống chống tăng, Tướng Milley cho biết.

Một quân nhân thân Nga kiểm tra giấy tờ của một người dân địa phương trong cuộc xung đột Ukraine-Nga tại thành phố cảng Mariupol, Ukraine, ngày 7/4/2022. Ảnh: CNBC

Minh Đức (Theo Reuters, DW, Al Jazeera)