Tiêu điểm thế giới

Nga-Thổ đồng ý "không bóc tem" S-400: Chỉ còn chờ cái gật đầu của Mỹ?

Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống nước hết mức với lời đề nghị sẽ không sử dụng S-400 của Nga thường xuyên. Lời đề nghị này liệu có khiến Mỹ rung động?

Thổ Nhĩ Kỳ đang mời gọi Mỹ cùng giải quyết bế tắc S-400 một cách hòa bình.

Theo giới phân tích, đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ về việc không kích hoạt hoàn toàn hệ thống phòng không S-400 của Nga là một thông điệp hòa bình gửi cho chính quyền mới của Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết đất nước ông sẵn sàng tiến hành một thỏa thuận tương tự như thỏa thuận mua S-300 của Hy Lạp vào năm 1997.

“Không có quyết định sử dụng S-400 thường xuyên”, ông Akar nói với tờ Hurriyet, nói thêm rằng hệ thống này chỉ được triển khai nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị đe dọa.

Cố gắng đối thoại

Nhận định với Al Jazeera, nhà phân tích Sinan Ulgen cho rằng, tuyên bố của ông Akar có thể tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết mâu thuẫn đang căng thẳng.

“Ankara đang cố gắng mở ra một cuộc đối thoại với Mỹ bằng cách tuyên bố rằng họ có thể sẽ không duy trì hoạt động của S-400”, chuyên gia Ulgen nêu quan điểm.

“Các tên lửa S-300 của Hy Lạp không được duy trì hoạt động và hiếm khi được sử dụng, kể cả trong một số cuộc tập trận quân sự của NATO mà Hy Lạp tham gia, hoạt động vốn sẽ giúp cho liên minh hiểu rõ hơn về hệ thống của Nga”, Ulgen nói thêm.

“Tôi không tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng S-400 trong các cuộc tập trận của NATO. Điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng giữa Moscow và Ankara. Tôi cũng không cho rằng việc không kích hoạt hệ thống sẽ khiến Nga khó chịu. Vấn đề là nếu có một thỏa thuận như vậy, cần phải tìm ra một cơ chế giám sát giữa hai đồng minh NATO để xác minh tình trạng của hệ thống S-400”.

Hệ thống phòng thủ S-300 mà Hy Lạp sở hữu vốn được dự định ​​triển khai ở Síp, nhưng vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1990. Khúc mắc được giải quyết vào tháng 12/1998 sau khi Síp gửi hệ thống này đến Hy Lạp để đổi lấy vũ khí khác.

S-300 hiện đang được đặt trên đảo Crete của Hy Lạp nhưng vẫn cất giữ trong kho và chưa được tích hợp vào mạng lưới phòng thủ của NATO.

Khúc mắc người Kurd

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên phức tạp trong những năm gần đây do một loạt bất đồng, trong đó có việc Mỹ ủng hộ các chiến binh người Kurd ở Syria vốn bị Ankara coi là "khủng bố".

Theo Mensur Akgun, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kultur ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ nêu bật vấn đề sự ủng hộ của Mỹ đối với các chiến binh người Kurd ở Syria trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Bị loại khỏi chương trình F-35 là tổn thất lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

“Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp trả những lời chỉ trích của Mỹ về S-400 ở cấp độ kỹ thuật, nhưng gần đây các quan chức, bao gồm cả Bộ trưởng Akar bắt đầu liên kết vấn đề này với tranh cãi xoay quanh chiến binh người Kurd ở Syria”, Akgun cho biết.

“Ankara cho rằng những lời chỉ trích của Mỹ về việc mua S-400 từ Nga – đối thủ của NATO - là không hợp lý bởi chính Mỹ cũng ủng hộ người Kurd – vốn là đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ muốn tìm kiếm các cuộc đàm phán và đối thoại với Mỹ, chứ không phải các biện pháp trừng phạt. Câu hỏi đặt ra là chính quyền mới của Mỹ có sẵn sàng nói về S-400 hay không”.

Chương trình F-35

Vào tháng 7/2019, Mỹ đã loại bỏ Ankara khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35 chỉ vài ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận được lô S-400 đầu tiên của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là nhà sản xuất mà còn là khách hàng mua.

Chính quyền Biden cho biết họ sẽ tiếp tục chính sách của chính quyền Donald Trump nhằm loại trừ Ankara khỏi chương trình phát triển máy bay tàng hình F-35.

“Lập trường của chúng tôi không thay đổi”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết tại một cuộc họp báo tuần trước. "Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không giữ lại hệ thống S-400”.

Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc điện đàm vào tuần trước đánh dấu cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa hai nước kể từ khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1. Tranh cãi S-400 là một phần của cuộc thảo luận, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua S-400 sau khi không thống nhất được các điều khoản với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama về thương vụ hệ thống phòng không Patriot.

Ông Trump đã thừa nhận rằng quyết định mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là chính đáng, đổ lỗi cho ông Obama về cuộc khủng hoảng.

“Chính quyền Obama đã nói không, không, không với Thổ Nhĩ Kỳ khi họ muốn mua Patriot nên họ đã mua S-400”, ông Trump nói trong một bài phát biểu vào năm 2019, nói rằng quyết định của ông Obama đã tạo ra một “mớ hỗn độn” với Ankara.

Ông Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có mối quan hệ thân thiết và thường xuyên tiếp xúc trực tiếp.

Tháng trước, Erdogan cho biết ông hy vọng "chúng ta có thể hội đàm và thấy kết quả tích cực" về vấn đề S-400.