Thế giới

Nga sẽ dùng biện pháp “quân sự - kỹ thuật” nếu Phần Lan gia nhập NATO

Nga coi việc nước láng giềng Phần Lan gia nhập NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö và Thủ tướng Sanna Marin hôm 12/5 đã chính thức lên tiếng ủng hộ ý tưởng Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và ra tín hiệu rằng, nếu mọi sự thuận lợi, Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự này ngay trong những ngày tới.

Phản ứng với động thái trên, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố: “Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ song phương Nga-Phần Lan. Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước trả đũa, bao gồm các biện pháp quân sự-kỹ thuật và các biện pháp khác, để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nảy sinh từ vấn đề này (Phần Lan gia nhập NATO)”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ gây ra mối đe dọa đối với an ninh của nước Nga.

Ngoài việc tạo ra các mối đe dọa đối với Nga, việc NATO mở rộng về phía đông sẽ “không đóng góp vào an ninh Âu-Á”, ông Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo tại Moscow hôm 12/5.

Khi được hỏi về những gì Nga có thể sẽ làm để đáp trả, vị phát ngôn viên không cho biết các biện pháp cụ thể nào sẽ được sử dụng, chỉ nói rằng điều đó sẽ phụ thuộc vào mức độ phát triển cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tại các vùng gần biên giới Nga.

“Chúng tôi sẽ phân tích tình hình với việc Phần Lan (có thể) gia nhập NATO và sẽ phát triển các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh”, ông Peskov nói.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, việc Phần Lan gia nhập NATO là mối đe dọa với Nga. Ảnh: TASS

Trước đó, các quan chức Nga đã đưa ra dấu hiệu rằng Moscow sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Baltic - bao gồm cả việc triển khai các loại vũ khí mang đầu đạn hạt nhân.

Phần Lan - quốc gia có chung đường biên giới dài gần 1.300 km với Nga - lâu nay đã từ chối gia nhập NATO và duy trì quan điểm không liên kết về mặt quân sự kể từ khi Thế chiến II kết thúc.

Nhưng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2, sự ủng hộ đối với tư cách thành viên NATO ở Phần Lan, cũng như ở Thụy Điển, đã tăng lên đáng kể.

Theo hãng thông tấn Nga RIA, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, việc phương Tây nói chung và NATO ngày càng viện trợ nhiều vũ khí cho Ukraine sẽ làm tăng khả năng xảy ra "xung đột hạt nhân toàn diện".

Minh Đức (Theo Politico.eu, Anadolu Agency)