Thế giới

Nga pháo kích dồn dập vào điểm nóng ở miền Đông Ukraine

Cuộc xung đột đang trở nên ngày càng ác liệt khi Nga dồn sức giành địa điểm “ưu tiên chiến thuật tức thời” ở Donbass, còn Ukraine khẳng định sẽ không ngừng bắn.

Sau khi giao tranh ở Mariupol đi đến hồi kết với việc Nga giành toàn quyền kiểm soát thành phố cảng chiến lược ở miền Nam Ukraine, chiến sự diễn ra thêm phần ác liệt ở Donetsk và Luhansk, gọi chung là Donbass, miền Đông Ukraine.

Quân đội Ukraine cho biết, họ đã đẩy lùi 9 cuộc tấn công của Nga ở Donetsk và Luhansk trong ngày qua.

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, 5 xe tăng, 4 hệ thống pháo, 10 xe bọc thép chiến đấu, 2 xe quân sự và 1 máy bay không người lái (UAV) của Nga cũng bị phá hủy.

Các đơn vị tên lửa phòng không Ukraine cũng bắn hạ 2 tên lửa hành trình, trong khi 12 đơn vị thiết bị quân sự của Nga đã bị phá hủy trong các cuộc không kích, bản cập nhật của Quân đội Ukraine cho biết.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, các lực lượng của Moscow đã thực hiện các cuộc không kích và pháo kích tại Donbass ở miền Đông và Mykolaiv ở miền Nam, nhằm vào các trung tâm chỉ huy, các địa điểm tập kết quân và kho đạn dược của Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết các tên lửa phóng từ trên không đã đánh trúng 3 điểm chỉ huy, 13 khu vực tập trung binh lính và thiết bị quân sự của Ukraine, cũng như 4 kho đạn ở Donbass.

Tại vùng Mykolaiv, ở miền Nam Ukraine, ông Konashenkov cho biết, các tên lửa của Nga đã bắn trúng một hệ thống chống UAV di động gần khu định cư Hannivka, cách thành phố Mykolaiv khoảng 100 km về phía Đông Bắc.

Một quân nhân Ukraine kiểm tra một địa điểm theo sau cuộc không kích ở Bakhmut, Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: Times of Israel

Severodonetsk - Ưu tiên chiến thuật tức thời của Nga

Thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh Luhansk, miền Đông Ukraine, theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh, là một trong những “ưu tiên chiến thuật tức thời” của Nga.

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng của Moscow được cho là đã triển khai một loạt phương tiện bọc thép đáng sợ được mệnh danh là "Kẻ hủy diệt" (Terminator) tới tiền tuyến ở Ukraine.

Các quan chức quân sự Ukraine trong khu vực này cho biết, nếu Nga có thể chiếm được Severodonetsk, họ sẽ có toàn quyền kiểm soát Luhansk. Đó là lý do tại sao Severodonetsk đang trở thành điểm nóng bị pháo kích liên miên ở Donbass.

Báo cáo tình báo hôm 22/5 của Bộ Quốc phòng Anh cho biết, trung đội duy nhất của Nga vận hành các phương tiện chiến đấu hỗ trợ xe tăng (BMPT) Terminator có thể đã được triển khai tới trục Severodonetsk trên mặt trận Donbass.

Sự hiện diện của Terminator cho thấy rằng Lực lượng Quân Trung tâm (CGF) của Nga đã tham gia vào cuộc xung đột này vì đây là đội hình duy nhất điều khiển loại phương tiện này. CGF trước đó đã bị tổn thất nặng nề khi không thể đột phá tuyến phòng thủ ở phía Đông Kyiv.

Tuy nhiên, với tối đa chỉ 10 chiếc Terminator được triển khai, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng Nga không có khả năng tác động đáng kể đến cục diện trên thực địa.

BMPT, biệt danh "Kẻ hủy diệt" (Terminator), là một loại xe bọc thép của Nga, được thiết kế để hỗ trợ các hoạt động của xe tăng, chủ yếu ở các khu vực đô thị. Bức ảnh này (đăng trên Army Recognition) cho thấy BMPT-72 (Kẻ hủy diệt 2) trong cuộc diễn tập công khai đầu tiên cho Lễ diễu binh Ngày Chiến thắng năm 2018 ở Alabino, ngoại ô Thủ đô Moscow.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cũng đưa ra đánh giá về tình hình giao tranh ở Severodonetsk và các địa điểm lân cận trong khu vực Lugansk trong ngày qua.

Theo ISW, các lực lượng Nga đã tiếp tục các cuộc tấn công trên bộ xung quanh thành phố Severodonetsk hôm 22/5 nhưng chỉ đạt được bước tiến tối thiểu.

Nga không thành công trong việc khép vòng vây đối với thành phố này từ hướng Đông để yểm trợ các đợt tiến quân trước đó về phía thành phố từ hướng Bắc (qua Rubizhne), hướng Tây (qua Bilohorivka) và hướng Nam (qua Popasna).

Nhưng có những báo cáo xác nhận rằng Nga dường như đã phá vỡ tuyến phòng thủ của Ukraine xung quanh Popasna, ISW cho biết.

Các lực lượng Nga có khả năng tìm cách mở một tuyến tiến công mới từ Popasna để hoàn thành việc bao vây Severodonetsk trong khi đồng thời tiến quân về hướng Tây về phía Bakhmut, ISW nhận định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, các lực lượng Nga không có khả năng cung cấp đầy đủ nguồn lực đồng thời cho cả 2 tuyến tiến công trên.

Bản đồ đánh giá tình hình thực địa ở Lugansk, Donbass, miền Đông Ukraine, tính đến ngày 22/5/2022. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW)

Trước khi xung đột bùng phát hồi cuối tháng 2, Severodonetsk có dân số khoảng 100.000 người. Cảnh sát khu vực đang kêu gọi dân thường vẫn còn ở trong thành phố rời đi, đồng thời cảnh báo rằng không an toàn khi ở lại trong khu vực này.

Hôm 21/5, một cây cầu nối Severodonetsk với thành phố Lysychansk, cùng khu vực Lugansk, đã bị phá hủy, khiến người dân gặp khó khăn hơn trong việc rời khỏi vùng có giao tranh.

“Nếu một cây cầu nữa bị phá hủy, thì thành phố sẽ bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài”, Ông Serhiy Haidai, người đứng đầu chính quyền quân sự Ukraine ở Luhansk, cho biết hôm 21/5.

Đàm phán đình trệ, Ukraine giữ lập trường không thỏa hiệp

Moscow sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình nhưng người khởi xướng phải là Kyiv, trưởng phái đoàn đàm phán của Nga, ông Vladimir Medinsky, tuyên bố hôm 22/5.

“Về phần mình, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đối thoại”, ông Medinsky, người đồng thời là trợ lý Tổng thống Nga, nói với Đài truyền hình Belarus, và bổ sung rằng “Việc các cuộc đàm phán đóng băng hoàn toàn là do Ukraine” và “quả bóng giờ đang nằm hoàn toàn bên phần sân của họ”.

Nga và Ukraine đã tổ chức các cuộc đàm phán thường xuyên cả trực tiếp và trực tuyến thông qua liên kết video kể từ khi xung đột giữa 2 bên bùng phát thành hành động quân sự từ hôm 24/2.

Ngoại trưởng của 2 bên đã gặp nhau trong vòng đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3, sau đó là cuộc họp của 2 phái đoàn tại Istanbul, cũng không mang lại kết quả cụ thể.

Trước đó, hôm 17/5, trưởng đoàn đàm phán của Ukraine, ông Mykhaylo Podolyak, cho biết các cuộc đàm phán đang "tạm dừng" vì chúng không đạt được kết quả đáng kể.

Đàm phán Nga - Ukraine đình trệ. Ảnh: TASS

Hôm 22/5, Ukraine một lần bác bỏ lệnh ngừng bắn hoặc bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào đối với Moscow, một dấu hiệu cho thấy Kyiv đang ngày càng trở nên không khoan nhượng.

"Cuộc chiến phải kết thúc với việc khôi phục hoàn toàn sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine", ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Twitter.

Trước đó, hôm 21/5, Kyiv cho biết nhượng bộ sẽ phản tác dụng vì Nga sẽ tận dụng thời gian tạm dừng giao tranh để củng cố lực lượng và sau đó sẽ tấn công ác liệt hơn.

Theo thông tin do DW tổng hợp, các quan chức Ukraine cho biết, họ đang bị phương Tây gây áp lực buộc phải hy sinh lãnh thổ cho một thỏa thuận hòa bình trong khi Nga đang tăng cường tấn công ở miền Đông và miền Nam đất nước, với điểm nóng giao tranh hiện nay là ở Luhansk, một trong 2 tỉnh ở Donbass, miền Đông Ukraine.

Một số diễn biến khác quanh xung đột Nga-Ukraine ngày 22/5

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 22/5 đã đến Thủ đô Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Ông Duda trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Ukraine kể từ khi xung đột với Nga bùng phát thành hành động quân sự.

Nhà lãnh đạo Ba Lan đã nói với các nhà lập pháp Ukraine rằng chỉ có Ukraine mới có quyền quyết định tương lai của mình.

“Những tiếng nói lo lắng đã xuất hiện, nói rằng Ukraine nên nhượng bộ trước những yêu cầu của ông Putin”, ông Duda cho biết, đồng thời khẳng định, “Chỉ Ukraine mới có quyền quyết định về tương lai của mình”.

“Tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi Ukraine trở thành thành viên của Liên minh châu Âu”, Tổng thống Ba Lan tuyên bố.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay trong cuộc họp báo sau cuộc gặp ở Kyiv, Ukraine, ngày 22/5/2022. Ảnh: Al Jazeera

Liên quan tới tư cách thành viên EU của Ukraine, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune hôm 22/5 nói rằng Paris không muốn đưa ra cho người Ukraine "bất kỳ ảo tưởng hay lời dối trá nào" về con đường gia nhập EU của họ.

"Việc Ukraine gia nhập EU có lẽ sẽ mất một thời rất gian dài, có thể là 15-20 năm".

Minh Đức (Theo TRT World, Al Jazeera, DW, The Week, The Guardian)