Thế giới

Nga nói về trường hợp vũ khí hạt nhân được đem ra sử dụng

Nga đã tập hợp hơn 150.000 quân xung quanh Ukraine trước khi chiến dịch ở đây bắt đầu vào ngày 24/2, cùng với đủ máy bay, pháo binh, xe tăng và hỏa lực khác.

Chính sách an ninh của Nga quy định rằng nước này sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chính sự tồn tại của nó bị đe dọa, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với đài truyền hình CNN của Mỹ.

Ông Peskov đưa ra bình luận trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh với đài CNN hôm 22/3 khi được hỏi liệu ông có tin tưởng rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân hay không.

“Chúng tôi có khái niệm về an ninh nội địa và nó được công khai. Quý vị có thể đọc tất cả các lý do vũ khí hạt nhân được sử dụng. Vì vậy, nếu nó là một mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước chúng tôi, thì nó (vũ khí hạt nhân) có thể được sử dụng phù hợp với quan niệm của chúng tôi”, ông Peskov tuyên bố.

Sức mạnh chiến đấu của Nga ở Ukraine đang suy giảm

Sức mạnh chiến đấu của Nga đã giảm xuống dưới 90% so với mức trước khi xung đột vũ trang bùng nổ, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên hôm 22/3.

Vị quan chức giấu tên không cung cấp bằng chứng. Đánh giá của ông ám chỉ những thiệt hại nặng nề về vũ khí và thương vong ngày càng tăng cho phía Nga.

Mỹ ước tính rằng, Nga đã tập hợp hơn 150.000 quân xung quanh Ukraine trước khi chiến dịch ở đây bắt đầu vào ngày 24/2, cùng với đủ máy bay, pháo binh, xe tăng và hỏa lực khác.

Tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, cũng đưa ra nhận định về cuộc xung đột này.

Hôm 22/3, ông nói với tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng Nga "sẽ không thành công về mặt quân sự".

Ông Hodges, hiện đang làm việc tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), cho rằng tuần này và tuần tới sẽ là then chốt đối với cuộc chiến, nhưng Kiev sẽ không thất thủ.

Các lực lượng kiểm soát các khu vực ở Ukraine ngày 22/3/2022. Ảnh: Al Jazeera

Đàm phán khó khăn

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhắc đến "các điều kiện an ninh cho các vấn đề quan trọng" trong cuộc điện đàm kéo dài một tiếng đồng hồ với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/3, Điện Elysee cho biết.

Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết đây là cuộc gọi thứ 8 giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi xung đột vũ trang Nga – Ukraine bùng nổ. Cuộc điện đàm gần nhất giữa ông Macron và ông Putin diễn ra vào ngày 18/3.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về khả năng ngừng bắn, nhưng không đạt được thỏa thuận nào.

Nhưng ông Macron cho rằng nỗ lực đối thoại này vẫn là cần thiết.

Điện Elysee cho biết, ông Macron cũng đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/3.

Tổng thống Macron đã tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với Ukraine trong cuộc điện đàm, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết.

Ông Zelensky dự kiến sẽ có bài phát biểu trực tuyến trước các nhà lập pháp của Pháp vào ngày 23/3 nhằm tìm kiếm thêm sự ủng hộ đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại sự gây hấn của Nga.

Tổng thống Zelensky cũng đã được mời phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của NATO diễn ra hôm 24/3 thông qua liên kết video, một quan chức NATO cho biết hôm 22/3.

Trong những tuần gần đây, nhà lãnh đạo Ukraine đã phát biểu trước các nhà lập pháp ở Mỹ, Canada, Anh, Ý, Đức và Israel.

Liên quan tới hòa đàm, Tổng thống Ukraine hôm 22/3 nhận định các cuộc đàm phán hòa bình với Nga đang rất khó khăn và đôi khi mang tính đối đầu.

“Chúng tôi đang tiếp tục làm việc ở các cấp độ khác nhau để khuyến khích Nga tiến tới hòa bình… Các đại diện của Ukraine đang tham gia các cuộc đàm phán diễn ra hầu như hàng ngày. Đàm phán rất khó khăn, đôi khi lâm vào thế đối đầu”, ông Zelensky cho biết, đồng thời bổ sung, “Nhưng từng bước chúng tôi đang tiến về phía trước”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến trước các nhà lập pháp Ý, ngày 22/3/2022. Ảnh: Wanted in Rome

Mỹ, NATO thảo luận về củng cố sườn phía Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm 22/3 đã thảo luận về “nỗ lực củng cố sườn phía Đông của NATO” trong một cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Ông Blinken đã tái khẳng định sự cần thiết của một phản ứng xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ và thống nhất đối với xung đột quân sự Nga – Ukraine và hoan nghênh phần việc đang diễn ra nhằm tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của NATO, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một tuyên bố.

Serbia sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Nga

Bộ trưởng Nội vụ Serbia Aleksandar Vulin cho biết Serbia "sẽ không bao giờ" tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.

Ông Vulin cho biết thêm rằng, đất nước của ông, một đồng minh trung thành của Nga, "sẽ không cấm truyền thông Nga".

Serbia đang chính thức tìm cách gia nhập EU, nhưng đã từ chối sửa đổi chính sách đối ngoại của mình về Moscow để tuân thủ lộ trình của khối này.

Sản xuất nông nghiệp ở "Giỏ bánh mì của châu Âu" bị thu hẹp

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Roman Leshchenko hôm 22/3 đã đưa ra dự kiến về diện tích vụ xuân của Ukraine. Theo đó, diện tích vụ xuân của nước này có thể giảm một nửa trong năm nay, xuống còn 7 triệu ha.

“Ngày nay, vấn đề an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu”, ông Leshchenko nói.

Vụ gieo sạ sắp tới có lẽ là khó khăn và quan trọng nhất trong cuộc đời của người nông dân Ukraine, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Roman Leshchenko cho biết. Ảnh: Agrar Zeitung

Năm 2021, Ukraine đã gieo sạ 15 triệu ha cho vụ xuân. Các sản phẩm nông nghiệp chủ chốt của Ukraine bao gồm lúa mạch, ngô, củ cải đường, hoa hướng dương và đậu nành. Thêm vào đó, sở hữu những vùng đất tươi tốt, Ukraine thường được gọi là "Giỏ bánh mì của châu Âu".

Xung đột quân sự với Nga sẽ làm giảm sản lượng thu hoạch của Ukraine vào mùa thu năm nay và tác động mạnh lên xuất khẩu của nước này trong năm tới.

Ảnh hưởng của cuộc xung đột có thể được cảm nhận rõ nhất ở các nước nghèo hơn, nơi một phần đáng kể dân số sống dựa vào viện trợ lương thực.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine cho biết, chính phủ đang xem xét dỡ bỏ các yêu cầu về giấy phép xuất khẩu đối với ngô và dầu hướng dương.

Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera, NDTV)