Thế giới

Nga nối lại các cuộc tấn công vào Mariupol sau thỏa thuận ngừng bắn

Ukraine đã đề nghị tăng cường viện trợ vũ khí sau khi Moscow tiếp tục các cuộc tấn công vào thành phố cảng chiến lược Mariupol.

Phía Nga cho biết, họ đã nối lại các cuộc tấn công vào các thành phố Mariupol và Volnovakha sau khi cáo buộc Ukraine vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, DW đưa tin.

“Các hành động tấn công đã được nối lại vào lúc 18:00 giờ Moscow (15:00 giờ GMT)”, trang TRT World dẫn lời Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết trong một cuộc họp video.

Lệnh ngừng bắn đầu tiên được thực hiện ở cảng Mariupol, ở phía Đông Nam của Ukraine và thành phố Volnovakha ở miền Đông để sơ tán dân thường, đã thất bại trong bối cảnh các cuộc pháo kích đang diễn ra và các quan chức Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về việc vi phạm lệnh ngừng bắn.

Trong một chương trình phát sóng trên truyền hình hôm 5/3, ông Oleksiy Arestovych, Cố vấn Tổng thống Ukraine, cáo buộc Nga không tuân thủ lệnh ngừng bắn đã thỏa thuận ở một số khu vực, ngăn cản kế hoạch chung cho phép dân thường di tản, The Guardian cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc các lực lượng Ukraine phá hoại nỗ lực ngừng bắn, đồng thời tuyên bố rằng các hành động của giới lãnh đạo Ukraine đặt ra câu hỏi về tương lai của đất nước, DW cho biết.

Việc chiếm được Mariupol, nơi đã chống chọi với cuộc tấn công trong 6 ngày, có thể cho phép Nga xây dựng một hành lang trên bộ tới Crimea, theo trang Al Jazeera.

Các lực lượng kiểm soát các khu vực ở Ukraine ngày 5/3/2022. Nguồn: Al Jazeera

Ukraine đề nghị tăng viện trợ vũ khí

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẩn thiết đề nghị cấp thêm cho Ukraine máy bay chiến đấu với Nga trong cuộc họp trực tuyến qua Zoom với các nhà lập pháp Mỹ, tran TRT World dẫn lời Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết.

Trong Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát, có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với 10 tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo khẩn cấp cho Ukraine sau khi Nga bắt đầu tấn công quân sự vào Ukraine ngày 24/2.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng khẩn thiết đề nghị các nước châu Âu cung cấp máy bay do Nga sản xuất cho Ukraine trong cuộc video call hôm 5/3, ông Schumer cho biết.

"Những chiếc máy bay này rất cần thiết. Và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao chúng", ông Schumer cho biết trong một tuyên bố.

Hơn 280 thành viên của Thượng viện và Hạ viện đã tham gia buổi họp trực tuyến này.

Còn tại biên giới Ukraine với Ba Lan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba để thảo luận về cách tăng cường hỗ trợ Kiev và cô lập Nga khi đã là ngày thứ 10 của cuộc chiến, Al Jazeera đưa tin.

“Không có gì bí mật khi nhu cầu cao nhất của chúng tôi là về máy bay chiến đấu, máy bay cường kích và hệ thống phòng không”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã nói vậy với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Cuộc gặp trực tiếp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại biên giới Ukraine-Ba Lan. Ảnh: ANI News

Ông Kuleba cũng cho biết, ông không thấy tiến triển nào trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga được tổ chức ở Belarus, nhưng "chúng tôi phải tiếp tục đàm phán".

Các yêu cầu được đưa ra sau khi Moscow tiếp tục cuộc tấn công vào thành phố cảng chiến lược Mariupol.

Vòng đàm phán thứ ba

Đàm phán Nga – Ukraine vòng 3 sẽ được tổ chức vào thứ Hai (7/3), thành viên phái đoàn Ukraine David Arakhamia cho biết trong một bài đăng trên Facebook nhưng không cung cấp thêm chi tiết, TRT World cho biết.

Đức sẽ tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine bất kể quốc tịch

Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Bild am Sonntag của Đức, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết Đức sẽ tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine bất kể quốc tịch của họ, DW đưa tin.

"Chúng tôi muốn cứu mạng người. Điều đó không phụ thuộc vào hộ chiếu", bà Faeser nói.

"Phần lớn những người tị nạn là công dân Ukraine. Những người từ các quốc gia khác đã có quyền cư trú lâu dài ở Ukraine sẽ tiếp tục được hưởng quy chế này", bà Faeser giải thích.

"Họ cũng không phải trải qua một thủ tục tị nạn phức tạp".

Bộ trưởng Nội vụ Đức mô tả sự hợp tác của châu Âu trong việc giúp đỡ những người tị nạn từ Ukraine là "lịch sử".

Minh Đức