Thế giới

Nga nói bị phương Tây đẩy vào tình trạng vỡ nợ giả tạo

Nga cho rằng phương Tây đang cố gắng đẩy nước này vào tình trạng vỡ nợ giả tạo vì các lệnh trừng phạt đã đóng băng nguồn dự trữ ngoại tệ của họ ở nước ngoài. 

Nga đã vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên trong vòng hơn một thế kỷ, khi nước này không đáp ứng được thời gian ân hạn 30 ngày đối với khoản thanh toán lãi suất trái phiếu trị giá khoảng 100 triệu USD đã hết hạn vào ngày 27/5, theo Bloomberg đưa tin.

Tuyên bố vỡ nợ chính thức thường được đưa ra bởi các công ty xếp hạng, tuy nhiên các lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đã khiến các công ty này ngừng xếp hạng đối với các thực thể của Nga. Vào tháng 3, các tổ chức xếp hạng lớn bao gồm S&P Global Ratings, Fitch Ratings và Moody's Investors Service đã hạ xếp hạng tín nhiệm “rác” đối với Nga vì cho rằng nợ của nước này "rất dễ bị không được thanh toán".

Là một phần của các lệnh trừng phạt do Mỹ và EU áp đặt, các ngân hàng lớn nhất của Nga đã bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính, thị trường và cơ sở hạ tầng toàn cầu, đồng thời khả năng thực hiện thanh toán xuyên quốc gia thông qua Mạng lưới Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng (SWIFT) bị cản trở. 

Vào hôm 25/5, Washington đã đẩy Moscow tiến gần hơn đến bờ vực vỡ nợ khi Bộ Tài chính Mỹ quyết định để lệnh miễn trừ thanh toán đối với Nga hết hiệu lực thay vì gia hạn. Theo đó, các ngân hàng và cá nhân của Mỹ bị cấm chấp nhận thanh toán trái phiếu từ chính phủ Nga kể từ hôm 25/5, chỉ 2 ngày trước khi Nga đến hạn khoản thanh toán nợ trị giá 100 triệu USD.

Ngân hàng trung ương của Nga ở thủ đô Moscow. Ảnh: TASS.

Phản ứng từ phía Nga

Moscow phủ nhận vụ vỡ nợ này, theo The National News. Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định có đủ tiền để thực hiện khoản thanh toán 100 triệu USD, tuy nhiên các biện pháp trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt liên quan đến cuộc xung đột khiến họ không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình. Nga cho rằng phương Tây đang cố gắng đẩy nước này vào tình trạng vỡ nợ giả tạo vì các lệnh trừng phạt đóng băng nguồn dự trữ ngoại tệ của Moscow ở nước ngoài. 

Vào tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố: "Tình hình này là do một quốc gia không thân thiện tạo ra một cách giả tạo và sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến chất lượng cuộc sống của người dân Nga”.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 23/6, ông Siluanov gọi tình hình hiện nay như là “trò hề”. "Bất cứ ai cũng có thể tuyên bố những gì mà họ muốn. Nhưng bất cứ người hiểu những gì đang diễn ra thì điều biết rằng đây không phải là một vụ vỡ nợ”, ông Siluanov nói và nhấn mạnh thêm rằng Nga có đủ nguồn lực tài chính để chi trả.

Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết việc các chủ nợ yêu cầu tuyên bố vỡ nợ thông qua các tòa án không có ý nghĩa gì bởi Nga đã không từ bỏ quyền miễn trừ chủ quyền của mình và không có tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền xét xử. 

Tác động của vụ vỡ nợ đối với Moscow

Một vụ vỡ nợ đồng nghĩa rằng Nga sẽ không thể tiếp cận các thị trường vay nợ quốc tế cho đến khi nước này hoàn trả đầy đủ cho các chủ nợ và giải quyết mọi trường hợp pháp lý phát sinh từ vụ vỡ nợ, theo tạp chí Newsweek.

Ông Chris Weafer, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Macro Advisory đặt trụ sở tại Moscow, chia sẻ với hãng tin BBC rằng vụ vỡ nợ có thể không ảnh hưởng ngay lập tức đối với Nga bởi nước này đang có nguồn thu lớn từ việc xuất khẩu các mặt hàng quan trọng như dầu mỏ. Tuy nhiên, vụ vỡ nợ có thể tạo ra một vấn đề "di sản" và khiến Nga đối mặt với "khó khăn hơn nhiều" trong việc phục hồi về lâu dài. 

Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao tại công ty quản lý tài sản BlueBay Asset Management (Anh) cũng cảnh báo về tác động lâu dài của vụ vỡ nợ này đối với Moscow. Ông nói với hãng tin CNBC: “Vụ vỡ nợ này rất quan trọng bởi nó sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng, khả năng tiếp cận thị trường và chi phí tài chính của Nga trong nhiều năm tới”.

Ông Timothy Ash cho biết thêm: "Điều quan trọng ở đây là Bộ Tài chính Mỹ đã buộc Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ, do đó nước này chỉ có thể thoát khỏi tình trạng vỡ nợ khi Bộ Tài chính Mỹ cho phép trái chủ đàm phán các điều khoản với các chủ nợ nước ngoài của Nga".

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ảnh: TASS.

Chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura chia sẻ với Bloomberg: “Tuyên bố vỡ nợ là một sự kiện mang tính biểu tượng. Chính phủ Nga đã mất cơ hội phát hành các khoản nợ bằng đồng USD. Nga không thể vay nợ từ hầu hết các quốc gia khác kể từ bây giờ". 

Mặc dù vụ vỡ nợ chủ yếu mang tính biểu tượng ở giai đoạn hiện tại, nhưng nếu các chủ nợ không nhận được khoản thanh toán thì họ có thể chọn đi theo con đường pháp lý, gây ra những vấn đề đối với phía Moscow. Vụ vỡ nợ cũng sẽ dẫn đến thiệt hại về uy tín của Nga, ảnh hưởng đến khả năng của nước này trong việc vay nợ từ thị trường quốc tế.

Theo Tradingview, đồng rúp của Nga đã phục hồi mạnh mẽ trong năm nay và hiện đang giao dịch ở mức khoảng 54 so với đồng USD, mức mạnh nhất kể từ năm 2015.

Lần cuối cùng Nga vỡ nợ nước ngoài là vào năm 1918 sau cuộc cách mạng Bolshevik, vào thời điểm đó nhà lãnh đạo Vladimir Lenin đã từ chối thực hiện các nghĩa vụ nợ nước ngoài của chế độ sa hoàng bị lật đổ. Vào năm 1998, Moscow đã vỡ nợ trong nước và tuyên bố tạm hoãn thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ dẫn đến đồng rúp mất giá

Phạm Hà Thanh (theo Newsweek, The National News, Aljazeera)