Thế giới

Nga ngừng cung cấp khí đốt, Đức có thể sẽ thiệt hại 5,4 tỷ USD/năm

Biện pháp trừng phạt của Nga đối với Gazprom chi nhánh Đức có thể khiến người Đức phải trả thêm 5,4 tỷ USD mỗi năm để thay thế nguồn cung khí đốt.

Ngày 5/6, tờ Welt am Sonntag dẫn lời một đại diện ngành khí đốt cho biết, những người nộp thuế và người sử dụng khí đốt ở Đức có thể phải trả thêm 5,4 tỷ USD mỗi năm để thay thế nguồn cung từ Nga.

Tháng 5 vừa qua, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Gazprom Germania, vốn là công ty con tại Đức của tập đoàn năng lượng khổng lồ Nga Gazprom.

Trước đó, hồi tháng 4, Đức tuyên bố kiểm soát Gazprom Germania để đảm bảo nguồn cung khí đốt, còn công ty mẹ Gazprom thông báo rút khỏi công ty này.

Kể từ đó, cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur, với tư cách là bên được ủy thác, đã phải mua khí đốt trên thị trường để thay thế nguồn cung từ Nga, nhằm thực hiện các hợp đồng cung cấp cho các công ty dịch vụ năng lượng và các nhà cung cấp khí đốt tại nước này.

Người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức ước tính, cần thêm 10 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày để thay thế nguồn cung từ Nga. "Lượng khí đốt này được mua trên thị trường và theo giá thị trường", người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức cho biết trong một email phản hồi Reuters.

Tờ Welt am Sonntag cho biết, mức tổn thất hiện nay là khoảng 3,7 tỷ USD/năm và có thể gia tăng do yêu cầu lấp đầy cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên Rehden được Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đưa ra vào ngày 29/5.

Cũng theo tờ báo này, các nhà cung cấp năng lượng và khách hàng tiêu dùng sẽ phải chịu phần chi phí gia tăng, thông qua thuế khí đốt mà nước này dự kiến áp dụng từ tháng 10.

Đức đã chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và cùng các đồng minh áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng thấy đối với Nga. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga. Nguồn cung khí đốt từ Nga đáp ứng khoảng 35% lượng tiêu thụ ở Đức.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 3/6 thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhắm vào Nga, trong đó có lệnh cấm vận dầu, dần loại bỏ việc nhập khẩu dầu thô và dầu tinh chế của Nga qua đường biển trong 6-8 tháng tới, song chưa ban hành lệnh cấm khí đốt Nga.

Minh Hoa (t/h)