Thế giới

Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc bởi mặt hàng này

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã buộc Nga phải tìm kiếm thị trường mới cho dầu thô của mình, trong đó Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất.

Trung Quốc đã nhập khẩu một lượng dầu thô kỷ lục từ Nga trong nửa đầu năm 2023, mua hơn 2 triệu thùng mỗi ngày từ quốc gia đang đối mặt với xung đột.

Trong 6 tháng qua, Trung Quốc đã nhập khẩu 11,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Financial Times. Trong đó, 2,13 triệu thùng mỗi ngày đến từ Nga, với lượng nhập khẩu đạt đỉnh 2,57 triệu thùng/ngày vào tháng 6, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Con số này giúp Nga đưa đối tác OPEC+ là Ả Rập Xê-út khỏi vị trí nhà cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Ả Rập Xê-út cung cấp cho Trung Quốc 1,88 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm, xếp sau đó là Iraq, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman và Brazil.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, dầu nhập khẩu của Nga rẻ hơn so với dầu nhập khẩu từ các quốc gia OPEC+. So với đơn giá dầu thô của Ả Rập Xê-út, dầu của Nga được giảm giá 9 USD/thùng vào cuối năm 2022 và 11 USD/thùng vào tháng 6/2023.

Nền kinh tế lớn nhất châu Á đã trở thành một lối thoát quan trọng để xuất khẩu cả dầu mỏ và than đá cho Moscow, vì hàng nghìn công ty đã rút khỏi nước này và nhiều quốc gia cũng “xa lánh” nước này do xung đột.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ tháng 2 năm ngoái, đồng thời từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt do Mỹ đưa ra.

Phần lớn hàng xuất khẩu của Nga được gửi đến Trung Quốc, nhưng ở chiều ngược lại, Nga không phải là đối tác thương mại nổi bật nhất của Bắc Kinh.

“Rõ ràng Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc để cung cấp hàng nhập khẩu và các sản phẩm sản xuất tiên tiến mà họ cần, trong khi Nga là thị trường thứ cấp không đáng kể cho các doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Jeffrey Sonnenfeld, nhà nghiên cứu của Đại học Yale nhận xét.

Do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu, Nga đã buộc phải khám phá các thị trường mới cho dầu thô của mình, và Trung Quốc, Ấn Độ là những điểm đến chính. Sự thay đổi thị trường này đã dẫn đến thời gian giao hàng kéo dài và tăng chi phí vận chuyển.

Để đối phó với những thách thức này, Nga đã khởi xướng việc vận chuyển dầu thô qua biển Bắc Cực nhằm giảm đáng kể thời gian hành trình so với tuyến đường phía Nam truyền thống qua Địa Trung Hải và Kênh đào Suez. Tuyến đường phía Bắc này có thể cắt giảm thời gian giao hàng tới 2 tuần, tương đương 30%.

Mặc dù điều này khiến cho tuyến đường Bắc Cực trở nên hấp dẫn, nhưng việc sử dụng đường biển để vận chuyển hàng hóa đã vấp phải sự phản đối. Các tổ chức như cơ quan liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết, biện pháp này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho khu vực, bao gồm lượng khí thải cao hơn và các mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển.

Nguyễn Tuyết (Theo Financial Times, Bloomberg, Business Insider)