Thế giới

Nga nêu điều kiện gia hạn chuyển khí đốt cho châu Âu qua Ukraine

Quan chức ngoại giao Nga cho biết, Nga sẽ cân nhắc tiếp tục chuyển khí đốt đến châu Âu qua lãnh thổ Ukraine sau khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực vào năm 2024.

Vụ trưởng Vụ hợp tác kinh tế Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky ngày 13/7 cho biết, Nga sẽ cân nhắc tiếp tục chuyển khí đốt đến châu Âu qua lãnh thổ Ukraine sau khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực vào năm 2024, nếu các nước châu Âu yêu cầu điều này và hệ thống trung chuyển của Ukraine vẫn hoạt động.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Birichevsky nêu rõ, mặc dù xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga đang thực hiện tất cả các nghĩa vụ theo hợp đồng, theo đó tiếp tục chuyển lượng lớn khí đốt đến châu Âu qua Ukraine.

Trong khi đó, cùng ngày, Thứ trưởng Tài chính Đức Joerg Kukies tuyên bố nước này sẽ chấm dứt hoàn toàn việc mua than đá Nga vào ngày 1/8 và dầu mỏ Nga vào ngày 31/12, đánh dấu sự thay đổi lớn trong nguồn cung năng lượng của Đức, theo Reuters.

Ông Kukies đưa ra tuyên bố trên tại Diễn đàn Năng lượng Sydney ở thành phố Sydney của Úc hôm 13/7, do chính phủ Úc và Cơ quan Năng lượng quốc tế chủ trì.

“Chúng tôi sẽ dừng mua than đá Nga trong vài tuần tới”, ông Kukies nhấn mạnh và cho hay thách thức chính phía trước sẽ là việc lấp khoảng trống khổng lồ khi Liên minh châu Âu (EU) dừng nhập khẩu 158 tỉ m3 khí đốt do Nga cung cấp.

Thứ trưởng Kukies cho biết thêm, Nga trước đó đã cung cấp 40% số lượng than đá của Đức và 40% lượng dầu của Đức. Việc thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn năng lượng Nga không phải vấn đề đơn giản, nhưng họ sẽ làm được "trong vài tháng tới".

Đức hiện đang nhanh chóng triển khai các trạm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giúp lấp những thiếu hụt về nguồn cung khí đốt. Nhưng, ông Kukies nhấn mạnh, dù Mỹ và Qatar có thể cung cấp khoảng 30 tỷ m3 LNG cho châu Âu thì vẫn không đủ.

Thứ trưởng Kukies cho biết thêm, gần đây, Đức đã ban hành luật để đẩy nhanh các dự án năng lượng tái tạo. Tháng 6 vừa qua, Đức đã kích hoạt giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn cấp gồm ba giai đoạn để đối phó với tình trạng sụt giảm nguồn cung từ Nga trong thời gian gần đây.

Chính phủ Đức kích hoạt "giai đoạn báo động" khi nhận thấy nguy cơ cao về tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt trong dài hạn. Về lý thuyết, việc kích hoạt giai đoạn hai cho phép các công ty năng lượng tăng giá đối với ngành công nghiệp và các hộ gia đình, từ đó giúp giảm nhu cầu tiêu thụ.

Đức là nền kinh tế lớn nhất và được xem là nước có ảnh hưởng hàng đầu trong EU, nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng từ Nga. Do đó, những động thái của Berlin trong vấn đề này đang được theo dõi sát sao.

Minh Hoa (t/h)