Tiêu điểm thế giới

Nga – Mỹ căng như sợi dây đàn: "Cuộc chiến tinh thần" đã khởi động?

Các nước phương Tây dẫn đầu là Mỹ đã phát động cái gọi là "cuộc chiến tinh thần" chống lại Nga. Đây là một kiểu chiến tranh mới.

Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Ilnitsky đã có một cuộc phỏng vấn với tạp chí Arsenal Otechestva về "cuộc chiến tinh thần" mà phương Tây đang nhằm vào Nga.

Theo ông, các nước phương Tây không xung đột trực tiếp với Nga, bởi vì điều này có thể khiến họ phải đối diện với nhiều mất mát, do Nga có vũ khí hạt nhân.

Do đó, trong 10 năm tới, khả năng xảy ra một cuộc đụng độ vũ trang trực tiếp với các quốc gia này sẽ bị loại trừ, ông Ilnitsky nhận định.

“Trước đây, mục đích của các cuộc chiến tranh là tiêu diệt nhân lực và phá huỷ cơ sở hạ tầng của kẻ thù, nhưng trong các cuộc chiến tranh hiện đại mọi thứ đã thay đổi. Giờ đây, mục tiêu của một cuộc chiến tranh là tiêu diệt ý thức tự giác, thay đổi cơ sở - văn minh - xã hội của kẻ thù. Tôi sẽ gọi kiểu chiến tranh này là một cuộc chiến tinh thần”, ông Andrei Ilnitsky cho biết.

Theo ông Andrei Ilnitsky, “quá trình tiến hoá của ý thức là không thể đảo ngược, vì hậu quả của cuộc chiến tinh thần không xuất hiện ngay lập tức mà chỉ xuất hiện ít nhất sau một thế hệ”. Lúc đó, chẳng ai làm được gì nữa.

Trong một số biện pháp chống lại “cuộc chiến tinh thần”, ông Andrei Ilnitsky đề cập đến chủ quyền internet. Theo ông, việc đào tạo nhân viên trong các biện pháp bảo mật thông tin rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự và dân sự.

Tháng 11/2019, luật về “internet có chủ quyền” có hiệu lực ở Nga. Nó bắt buộc các nhà khai thác viễn thông phải cài đặt thiết bị đặc biệt trên mạng của họ. Thiết bị này được Roskomnadzor cung cấp và qua đó cơ quan quản lý có thể kiểm soát lưu lượng truy cập trong trường hợp có các mối đe doạ đối với an ninh internet. Ngoài ra, luật bắt buộc chủ sở hữu các trang mạng truyền thông và công ty internet phải tham gia các cuộc tập trận được tổ chức một lần mỗi năm.

Vòng đối đầu mới giữa Nga và Mỹ bắt đầu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có buổi phỏng vấn với ABC News hôm 17/3. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Biden đồng ý với chỉ trích nói rằng Tổng thống Putin là "kẻ giết người" và nhà lãnh đạo Nga sẽ phải "trả giá" vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Sau phát ngôn của ông Biden, quan hệ Nga - Mỹ trở nên căng thẳng.

Nga đã phản ứng gay gắt về cuộc phỏng vấn của ông Biden. Ông Vyacheslav Volodin, người phát ngôn Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) khẳng định: "Tổng thống Vladimir Putin là Tổng thống của chúng tôi. Công kích vào ông ấy là công kích vào đất nước chúng tôi".

Trước bình luận của ông Biden, Tổng thống Nga Putin nhận định với báo giới "người nào làm thì người đó biết". Ông Putin cũng đề xuất một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuy nhiên, một cuộc trò chuyện trực tiếp đã không có. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Mỹ đã từ chối đề xuất của Tổng thống Nga Putin về một cuộc điện đàm với Tổng thống Biden.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định trong một tuyên bố: “Một cơ hội nữa nhằm tìm lối thoát cho sự bế tắc trong quan hệ Nga - Mỹ đã bị bỏ lỡ. Nó xảy ra vốn là lỗi của Washington”.

Tổng thống Biden bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình bằng lập trường cứng rắn với Tổng thống Putin. Ông Biden cũng khẳng định, Mỹ sẽ không bị Nga gây sức ép.

Nhiều chuyên gia nhận định quan hệ Nga – Mỹ đang bước vào một vòng tròn căng thẳng mới. Nhiều khả năng cả Mỹ và Nga đều đang chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt tiềm tàng trong thời gian tới.

HOÀ AN (Theo SF)