Tiêu điểm thế giới

Nga lớn tiếng chỉ trích Mỹ đổ lỗi cho Iran giữa căng thẳng Washington-Tehran

Ngoại trưởng Nga cảnh báo Mỹ hãy ngừng đổ lỗi cho Iran trong việc tăng cường gây bất ổn cho khu vực Trung Đông.

Theo Newsweek, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã cảnh báo Mỹ hãy ngừng đổ lỗi cho Iran trong việc tăng cường gây bất ổn cho khu vực Trung Đông với lập luận rằng Washington không nên can dự vào cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn tại đây và nguy cơ gây nên một cuộc xung đột.

Trong một bài trả lời phỏng vấn hôm qua với tờ Argumently IFakty đặt ở Nga, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bảo vệ mối quan hệ nồng ấm của Moscow với cả Iran và Israel vì “giá trị thực chất” cho đất nước mình dù cho mối thù giữa Israel và Iran gia tăng căng thẳng.

Cả hai nước này đều gánh lấy những rủi ro khi Mỹ gia tăng chiến lược tăng cường áp lực lên Iran trong nỗ lực gây nên sự cô lập quốc tế, chiến lược mà ông Lavrov nhận định là cách gây mất ổn định.

Tàu hải quân Iran bắn tên lửa trong một cuộc tập trận. 

“Căng thẳng leo thang trong khu vực đang diễn ra hiện nay chính là kết quả trực tiếp của việc Washington và các đồng minh đề cao chính sách chống Iran”, ông Lavrov cho hay.

“Mỹ đang khéo léo tìm cách làm mất uy tín của Tehran và đổ mọi tội lỗi cho cộng hòa Hồi giáo Iran”, nhà ngoại giao Nga cho biết thêm. “Điều này gây nên tình thế nguy hiểm: một trận chiến đơn lẻ có thể bắt đầu nổ lửa”.

Nga cùng Trung Quốc, liên minh châu Âu, Pháp, Đức và Anh đã ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cùng với Mỹ và Iran. Theo thỏa thuận này, hoạt động hạt nhân của Tehran phải được cắt giảm để đổi lấy việc xóa bỏ trừng phạt.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này, cáo buộc Tehran sử dụng tiền đầu tư cho các nhóm phiến quân và phát triển tên lửa đạn đạo.

Kể từ sau đó, Mỹ tăng cường ngăn cản hoạt động thương mại quốc tế với Iran bằng việc ngăn cản các nước hợp tác với Iran bao gồm cả các đồng minh bằng những lệnh trừng phạt. Lầu Năm Góc cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở Trung Đông giữa điều mà Nhà Trắng khẳng định là mối đe dọa tăng cao của các lực lượng có liên hệ với Tehran.

Tháng trước, lực lượng cách mạng Iran đã bắn hạ một máy bay do thám của hải quân Mỹ ở trong hoặc gần không phận của Iran, một động thái khiến Tổng thống Trump hạ lệnh tấn công nhưng lại được hủy lệnh vào phút chót. Iran cũng bắt đầu làm giàu uranium trên mức giới hạn của thỏa thuận Iran khi các nước châu Âu gặp khó trong việc bình thường hóa quan hệ thương mại với Tehran dưới áp lực của Mỹ.

Động thái tăng cường làm giàu uranium của Iran gây phản ứng mạnh từ các nước Châu Âu.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga Lavrov lập luận rằng “Iran thường xuyên tái khẳng định với chúng tôi rằng lợi ích của quốc gia này với sự ổn định của khu vực chỉ đạt được thông qua đàm phán với các nước có liên quan, gồm cả các nước vùng vịnh. Ngoài ra, Tehran luôn nhấn mạnh rằng nước này không có ý định triển khai các hành động hung hăng”.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm thứ Ba đã trả lời NBC News rằng cánh cửa ngoại giao với Mỹ quá “rộng mở” nhưng đàm phán hạt nhân chỉ có thể diễn ra khi chính quyền ông Trump dỡ bỏ trừng phạt.

Ông cũng nhấn mạnh về sự hỗ trợ quân sự của Mỹ với các nước trên bán đảo Ả Rập như Saudi Arabia và UAE, với lập luận rằng Iran cần duy trì chương trình hạt nhân của mình nhằm đáp trả các mối đe dọa như vậy.

Xem thêm >> Căng thẳng ở Iran: Mỹ điều F-22 đến dằn mặt, Nga “ngỏ ý” chuyển giao S-400