Thế giới

Nga lần đầu dùng cách này để bảo vệ “con bò sữa” khỏi lệnh trừng phạt

Động thái này cho thấy việc bảo vệ dòng Petrodollar (đô la dầu mỏ) chảy vào ngân sách nhà nước là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nga trong bối cảnh hiện nay.

Ngành công nghiệp dầu khí Nga tạo ra khoảng 1/3 tổng thu ngân sách – vài tỷ USD mỗi tháng – và Moscow đang sử dụng số tiền này để tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine và tăng chi tiêu xã hội trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 15-17/3 tới.

Để bảo vệ doanh thu của ngành dầu khí Nga – “con bò sữa” giúp “hái” ra tiền cho ngân sách liên bang – khỏi các lệnh trừng phạt năng lượng của phương Tây, Điện Kremlin được cho là đã lần đầu tiên kích hoạt cơ chế “giá sàn”, hãng tin Bloomberg cho biết.

Theo Bloomberg, động thái này cho thấy việc bảo vệ dòng Petrodollar (đô la dầu mỏ) chảy vào ngân sách nhà nước là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nga trong bối cảnh hiện nay, và các nhà sản xuất dầu của quốc gia nằm ở phía Bắc lục địa Á-Âu là người phải trả tiền.

Khó có thể ước tính chính xác

Để tính thuế dầu tháng 1, các công ty năng lượng của Nga phải sử dụng mức giá trung bình của Urals – hỗn hợp dầu thô xuất khẩu hàng đầu của đất nước – là 65 USD/thùng, theo một công văn từ Cơ quan Thuế Liên bang Nga công bố hồi tháng trước. Ngân sách nhà nước sẽ nhận khoản thu này vào tháng 2 và số liệu sẽ được công bố vào tuần tới.

Thực tế, giá thị trường của dầu thô Urals thấp hơn mức giá trên. Dầu Urals thường được giao dịch với giá chiết khấu so với giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu. Trong công thức tính thuế, Chính phủ Nga đã áp dụng mức chiết khấu 15 USD/thùng, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Argus Media Ltd., được một quan chức Nga giấu tên xác nhận.

Trong khi đó, dữ liệu cho thấy mức chiết khấu thực tế mà các nhà sản xuất trong nước đang áp dụng cho hàng của họ trung bình là 18,12 USD/thùng tại các cảng của Nga trong tháng 1.

Hồi đầu tháng 12/2022, nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) và các đồng minh đã áp đặt mức trần giá 60 USD/thùng đối với xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga qua đường biển nhằm “bóp nghẹt” nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow, trong khi vẫn duy trì nguồn cung dầu cho thị trường toàn cầu.

Sau hơn một năm hiệu lực, biện pháp trần giá được cho là không tạo ra hiệu quả mong muốn vì Moscow đã thành công trong việc giảm thiểu tác động của nó bằng cách bán dầu cho các khách hàng châu Á và triển khai một “hạm đội bóng tối” khổng lồ để trốn tránh các hạn chế về vận chuyển và bảo hiểm.

Tàu chở dầu neo đậu tại Novorossiysk, Nga, năm 2022. Ảnh: NY Times

Để siết chặt vấn đề tuân thủ giới hạn giá, trong những tháng gần đây, G7 đã tăng cường áp lực lên các chủ tàu, thương nhân và khách mua dầu, từ đó khiến mức chiết khấu cho dầu Urals bị nới rộng hơn.

Mức giá chiết khấu 18 USD được Argus ghi nhận vào tháng 1 đã thu hẹp hơn so với một số thời điểm vào đầu năm 2023, khi dầu Urals được bán ở một số cảng phía Tây của Nga với giá thấp hơn dầu Brent tới 40 USD, nhưng vẫn cao hơn 6 lần so với mức thông thường trước cuộc xung đột (3 USD).

Những số liệu này phản ánh giá dầu Urals tại các cảng Primorsk và Ust-Luga bên Biển Baltic, cộng với cảng Novorossiysk bên Biển Đen. Mức giá chiết khấu mới nhất không bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm cần thiết để giao dầu thô cho khách mua.

Khi các thùng dầu Nga đến tay khách hàng cuối ở châu Á, giá tại thời điểm giao hàng sẽ gần bằng giá dầu Brent. Giá trị cuối cùng của một thùng dầu bao gồm chi phí vận chuyển, bảo hiểm và thanh toán cho trung gian. Tuy nhiên, với tính chất không rõ ràng của các giao dịch, khó có thể ước tính chính xác bao nhiêu USD/thùng dầu thô bán ra mà các nhà sản xuất dầu của Nga bỏ túi.

Cách tiếp cận cứng rắn hơn

Chính phủ Nga cũng có cách thứ 2 để tính giá dầu Urals cho mục đích ngân sách: Lấy giá trung bình của một thùng dầu do Argus khảo sát tại các cảng quan trọng ở phía Tây của Nga và cộng thêm chi phí ảo khi vận chuyển đến Rotterdam và Địa Trung Hải.

Hiện tại, chi phí đó được đặt ở mức 2 USD/thùng – mức định giá thấp hơn so với mức “giá sàn” trong tháng 1, nhưng cơ quan giám sát chống độc quyền của quốc gia cho biết họ sẽ đưa ra một phép tính phức tạp hơn.

Hàng tháng, cơ quan thuế của Nga sẽ so sánh 2 công thức tính giá dầu Urals và sử dụng công thức cho giá trị cao hơn để đánh thuế các nhà sản xuất dầu.

Để trả lời các câu hỏi của Bloomberg về tính toán giá dầu Urals, Bộ Tài chính Nga đã giới thiệu Bloomberg sang Bộ Kinh tế Nga. Tuy nhiên, Bộ Kinh tế Nga và cơ quan thuế quốc gia đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Đồ họa: CEPR

Cơ chế “giá sàn” được Chính phủ Nga đưa ra từ năm ngoái với mức chiết khấu lớn hơn nhiều là 34 USD/thùng và thu hẹp dần xuống còn 20 USD/thùng vào tháng 12 năm ngoái. Cho đến nay, điều đó có nghĩa là thuế dầu mỏ của Nga được tính theo giá thị trường thực tế. Chính phủ Nga có kế hoạch thu hẹp hơn nữa mức chiết khấu sàn xuống còn 10 USD/thùng vào năm tới và 6 USD/thùng vào năm 2026.

Với cách tiếp cận cứng rắn hơn, khiến công thức tính thuế trở nên khó khăn hơn, áp lực sẽ tăng lên đối với các nhà sản xuất dầu của Nga trong việc đàm phán giá dầu Urals cao hơn với khách hàng nước ngoài, hoặc họ phải tự bỏ tiền túi ra trả các khoản thuế bổ sung.

Chính phủ Nga hy vọng mức chiết khấu cho dầu Urals sẽ thu hẹp “ngay khi chuỗi cung ứng được cải thiện và thị trường bình tĩnh lại”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết. 

Tuy nhiên, G7 cũng có kế hoạch siết chặt hơn nữa doanh thu năng lượng của Nga thông qua việc thực thi chặt chẽ hơn biện pháp giới hạn giá.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)