Thế giới

Nga: Không vũ khí phương Tây nào có thể lật ngược tình thế ở Ukraine

Trong khi đó, Ukraine tiếp tục phàn nàn rằng vũ khí chỉ được đưa “nhỏ giọt” vào nước này sau nhiều tháng bị đình trệ do những nút thắt trong quy trình lập pháp ở Mỹ.

Không có loại vũ khí nào trong kho vũ khí của phương Tây có thể giúp Ukraine thay đổi mạnh mẽ tình hình trên thực địa, Phó đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Maxim Buyakevich cho biết.

Bình luận của nhà ngoại giao Nga được đưa ra tại một cuộc họp Hội đồng Thường trực của tổ chức an ninh liên chính phủ lớn nhất thế giới, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin hôm 24/5.

“Các nhà tài trợ của Kiev không có loại vũ khí nào có khả năng thay đổi mạnh mẽ tình hình trên thực địa. Quyết định gửi thêm các lô vũ khí đã được thử nghiệm trong thực tế chiến đấu sẽ chỉ kéo dài cuộc đối đầu quân sự, gây ra nhiều thương vong và sự tàn phá hơn”, ông Buyakevich nói.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, phát biểu trước khoảng 50 nhà lãnh đạo quốc phòng từ châu Âu và trên thế giới hôm 20/5, cam kết sẽ duy trì thường xuyên việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ cho Ukraine.

“Nhờ việc thông qua gói viện trợ bổ sung, chúng tôi sẽ tiếp tục phê duyệt các gói hỗ trợ an ninh đáng kể cho Ukraine. Và các vị sẽ thấy dòng viện trợ quân sự của Mỹ chảy tới Ukraine đều đặn hàng tuần”, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói khi khai mạc cuộc họp trực tuyến của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine lần thứ 22.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa về các vị trí của Nga ở vùng Kharkiv, ngày 21/4/2024. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, trong sự kiện này, Mỹ không công bố gói viện trợ mới nào, ngay cả khi các lực lượng Ukraine tiếp tục phàn nàn rằng vũ khí chỉ được đưa “nhỏ giọt” vào nước này sau nhiều tháng bị đình trệ do những nút thắt trong quy trình lập pháp ở “xứ cờ hoa”.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, vũ khí được bố trí sẵn ở châu Âu đã bắt đầu được chuyển vào Ukraine ngay sau khi nguồn viện trợ được phê duyệt vào cuối tháng 4. Không rõ bao nhiêu trong số đó đã đến được tiền tuyến, trong khi Quân đội Nga đang tăng cường tấn công.

Trong 4 tuần kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó bao gồm khoảng 61 tỷ USD cho Ukraine, Washington đã gửi 1,4 tỷ USD vũ khí lấy từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc và tuyên bố sẽ cung cấp 6 tỷ USD tài trợ thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI).

USAI trả tiền cho các hợp đồng dài hạn hơn với ngành công nghiệp quốc phòng và có nghĩa là vũ khí có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để đến nơi cần đến.

Trong các gói viện trợ gần đây, Mỹ đồng ý gửi Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và tên lửa cho các hệ thống này, cũng như đạn dược cho Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS) và Patriot, pháo, đạn phòng không và chống tăng, và một loạt các loại xe bọc thép, chẳng hạn như xe Bradley và xe được bảo vệ chống phục kích bằng mìn.

Mỹ cũng đang cung cấp thêm tàu tuần tra ven biển và ven sông, xe moóc, đạn phá hủy, tên lửa chống bức xạ tốc độ cao, thiết bị bảo hộ, phụ tùng thay thế và các vũ khí, thiết bị khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã phê duyệt đề xuất bán khẩn cấp các hệ thống HIMARS cho Ukraine với giá ước tính khoảng 30 triệu USD. Bộ này cho biết Ukraine đã đề nghị mua 3 hệ thống này với kinh phí do Chính phủ Đức tài trợ.

Mỹ hiện đã cung cấp khoảng 50,6 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Minh Đức (Theo TASS, AP)