Thế giới

Nga điều quân đến đông Ukraina, thị trường tài chính phản ứng tiêu cực

Nga là quốc gia sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới, do đó căng thẳng quân sự đã dẫn đến giá năng lượng cực kỳ biến động.

Phiên giao dịch ngày 22/2, thị trường chứng khoán trên thế giới chứng kiến phiên giảm điểm đồng loạt sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận 2 khu vực ly khai ở miền đông Ukraina là cộng hòa độc lập và ra lệnh triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình sang các khu vực này. 

Trong bài phát biểu trên truyền hình kéo dài một giờ đồng hồ hôm 21/2, Tổng thống Putin chia sẻ: “Tôi cho rằng cần đưa ra một quyết định mà lẽ ra phải được đưa ra từ lâu, đó là ngay lập tức công nhận độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk”. 

Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo đã giảm 2,2% trong khi chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 3,2% vào đầu phiên giao dịch ngày 22/2. Hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 1,7% trong khi hợp đồng cho chỉ số các ngành công nghiệp Dow giảm 1,5%. 

Các thị trường Mỹ đã đóng cửa vào ngày 21/2 để kỷ niệm Ngày Tổng thống. Tại châu Âu, thị trường chứng khoán cũbg giảm điểm khi các nhà đầu tư mong đợi diễn biến từ cuộc khủng hoảng Ukraine: DAX của Đức đã giảm 2,1%, CAC 40 ở Paris giảm 2%, FTSE 100 của Anh giảm 0,3%. Chỉ số MOEX của Nga giảm gần 11%, trong khi giá trị đồng Rúp giảm 3,2% so với USD. 

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp để cấm các giao dịch thương mại, đầu tư giữa các công dân Mỹ và hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine vừa được Nga công nhận độc lập.

Căng thẳng ở Đông Âu đã làm gia tăng thêm những quan ngại về các ngân hàng trung ương thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sẽ đẩy nhanh các biện pháp nhằm ứng phó với lạm phát gia tăng. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 gần đây liên quan tới sự xuất hiện của biến thể Omicron với khả năng lây truyền cao cũng gây ra những mối quan ngại khác.

Lợi tức trái phiếu kho bạc đã giảm khi các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến sự an toàn của trái phiếu Mỹ. Lợi tức của trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, vốn là yếu tố gây ảnh hưởng đến lãi suất của các khoản thế chấp và các khoản cho vay tiêu dùng khác, đã giảm xuống 1,85% vào đầu ngày 22/2, giảm từ mức 1,93% của ngày hôm trước.

Trong giao dịch tiền tệ, đồng USD đã giảm xuống bằng 114,62 yên Nhật từ 114,74 yên vào cuối ngày 21/2. Đồng Euro giảm xuống 1,1300 USD từ mức 1,1312 USD.

Bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, phát biểu trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Ukraina, tại New York vào ngày 21/2/2022. Ảnh: Getty Images.

Nga là quốc gia sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới, do đó căng thẳng quân sự đã dẫn đến giá năng lượng cực kỳ biến động. Dầu thô chuẩn của Mỹ đã tăng 2,42 USD lên mức 92,63 USD/thùng trong giao dịch điện tử trên New York Mercantile Exchange. Dầu thô Brent, được sử dụng như cơ sở quan trọng để định giá nguồn cung dầu thô giao dịch quốc tế trên thế giới, tăng thêm 1,38 USD lên 96,77 USD/thùng.

Những căng thẳng gần đây đã đẩy giá dầu lên cao, khi vào năm ngoái Nga là nhà cung cấp khí đốt và dầu tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU). Giá dầu thô gần đây đã vượt ngưỡng 90 USD/thùng, tăng hơn 20% trong năm nay và tăng hơn 80% kể từ đầu năm 2021. Tuy nhiên, mức tăng đó cũng đến từ nhiều nguyên nhân khác như nguồn cung thắt chặt.

Theo ông Andy Lipow, chủ tịch của công ty tư vấn năng lượng Lipow Oil Associates, giá dầu có thể tăng vọt lên tới 110 USD/thùng nếu căng thẳng trở nên tồi tệ hơn. Ông chia sẻ với hãng tin CNBC hôm 22/2: “Nếu nguồn cung dầu của Nga cho châu Âu thực sự bị cắt, vốn ở mức 3 triệu thùng/ngày, chúng ta có thể chứng khiến giá dầu tăng thêm khoảng 10-15 USD/thùng, giá dầu Brent có thể chạm mức khoảng 110 USD/thùng”. Ông Lipow nhận định các thị trường có thể sẽ hướng tới Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait.

Bà Katrina Ell, nhà kinh tế cấp cao tại văn phòng công ty Moody’s Analytics, cho biết ước tính căng thẳng địa chính trị đã làm tăng giá dầu khoảng 10 - 15 USD/thùng. Bà chia sẻ với hãng tin CNBC vào ngày 22/2: “Nếu ​​căng thẳng leo thang gây gián đoạn nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga, điều đó sẽ gây thêm áp lực tăng giá dầu, sau đó thực sự tổn hại đến hoạt động sản xuất và tiêu dùng của các nền kinh tế lớn nhất châu Á”. Bà Ell cho biết thêm rằng hầu hết các nền kinh tế lớn nhất châu Á là các nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ.

Phạm Hà Thanh (theo AP, CNBC)