Thế giới

Nga củng cố sườn phía Nam, đối phó nỗ lực phản công của Ukraine?

Nga cho biết, chỉ một phần lực lượng của họ đang tham chiến ở Ukraine, và lực lượng này “đủ sức để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ do Tổng tư lệnh tối cao đề ra".

Bộ Quốc phòng Nga hôm 26/7 lên tiếng phủ nhận thông tin rằng Moscow đang triển khai thêm lực lượng tới Ukraine.

“Một số phương tiện truyền thông nước ngoài đang lan truyền thông tin sai lệch với các cáo buộc về các hoạt động huy động quân”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 26/7.

"Chúng tôi muốn lưu ý với quý vị rằng chỉ một phần của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đang tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt (ở Ukraine). Và phần lực lượng này đủ sức để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ do Tổng tư lệnh tối cao đề ra", tuyên bố cho biết.

Nga sẽ diễn tập quân sự quy mô lớn ở nơi cách Ukraine hàng nghìn km

Nga có kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận quân sự chiến lược ở miền Đông nước này bắt đầu từ tháng tới, cách nơi đang xảy ra xung đột ở Ukraine hàng nghìn km, Bộ Quốc phòng Nga thông báo hôm 26/7, Reuters đưa tin.

Cuộc tập trận Vostok 2022 ở miền Đông Nga, diễn ra từ ngày 30/8 đến ngày 5/9, sẽ quy tụ lực lượng không quân, máy bay quân sự cũng như các lực lượng quân sự từ các quốc gia khác.

Khoảng 300.000 quân, 1.000 máy bay và 36.000 xe tăng và các phương tiện chiến đấu khác tham gia vào cuộc tập trận Vostok 2018 ở miền Đông Nga. Ảnh: Al Jazeera

Các chuyên gia quân sự nói với Reuters rằng, cuộc tập trận năm nay dường như nhằm gửi một thông điệp rằng Nga vẫn tập trung vào việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình và duy trì hoạt động quân sự như thường lệ bất chấp cuộc xung đột “hao tài tốn của” ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 6.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng năng lực của Moscow trong việc tổ chức các cuộc tập trận như vậy không bị ảnh hưởng bởi “chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Tuyên bố khẳng định Nga chưa hủy bỏ bất kỳ hoạt động huấn luyện hoặc hợp tác quốc tế nào, và Vostok 2022 sẽ được cung cấp đầy đủ nhân sự, vũ khí và các thiết bị cần thiết.

"Chúng tôi muốn lưu ý với quý vị rằng chỉ một phần của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đang tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt (ở Ukraine). Và phần lực lượng này đủ sức để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ do Tổng tư lệnh tối cao đề ra", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Quân khu miền Đông của Nga bao gồm một phần của Siberia và có trụ sở chính tại Khabarovsk, gần biên giới với Trung Quốc.

Cuộc tập trận sẽ bao gồm một số lực lượng nước ngoài, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nhưng không đưa thêm chi tiết.

Các binh sĩ đến từ Armenia, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Mông Cổ đã tham gia các cuộc tập trận lớn ở Nga và Belarus vào năm ngoái.

Trước đó, Trung Quốc đã tham gia vào cuộc tập trận Vostok 2018.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu được nhìn thấy tại cuộc tập trận Vostok 2018 ở miền Đông Nga. Ảnh: Al Jazeera

Nga chuẩn bị đương đầu với cuộc phản công của Ukraine ở Kherson

Quân đội Nga đang triển khai lực lượng bổ sung đến sườn phía Nam, củng cố các vị trí của họ ở khu vực Kherson và Zaporizhzhia, theo các quan chức Ukraine và video đăng trên mạng xã hội được CNN xác định vị trí địa lý.

Các nhà phân tích cho rằng động thái này của Nga có lẽ là nhằm đối phó với cuộc phản công của Ukraine.

Một số bài đăng trên các tài khoản mạng xã hội của Ukraine đề cập đến việc di chuyển các thiết bị quân sự hạng nặng trên đầu tàu hỏa hoặc các điểm nghẽn giao thông trên đường cao tốc qua bán đảo Crimea và vào vùng Kherson. CNN đã định vị địa lý một số video, được quay trong vài ngày qua, cho thấy các đoàn xe đi từ Crimea đến Kherson. Các video khác cho thấy các đoàn xe hướng về Crimea, băng qua eo biển Kerch, từ Krasnodar ở Nga.

Người phát ngôn của Bộ Tổng tham mưu Ukraine và Bộ Chỉ huy Tác chiến miền Nam Ukraine từ chối bình luận, nhưng Văn phòng Tổng thống Ukraine ở Crimea hôm 25/7 cho biết, “việc di chuyển thiết bị quân sự, đạn dược và nhân sự của quân đội Nga vẫn tiếp tục trên khắp lãnh thổ Crimea”.

“Mỗi ngày, khoảng 50 toa xe với nhiều thiết bị quân sự của Nga di chuyển về phía Dzhankoi, các dòng chảy thiết bị quân sự cũng được chú ý tại biên giới hành chính với Crimea, gần các khu định cư Armiansk và Krasnoperekopsk”, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố trên Facebook hôm 25/7.

Binh sĩ Ukraine kiểm tra một hệ thống HIMARS ở miền Đông Ukraine ngày 1/7/2022. Ảnh: Bloomberg

Các nhà phân tích cho rằng việc Nga di chuyển thiết bị hạng nặng như vậy có thể nhằm chuẩn bị đương đầu với cuộc phản công của Ukraine nhằm tái chiếm các khu vực do Nga kiểm soát ở Kherson và Zaporizhzhia.

Trong bản đánh giá hàng ngày về chiến dịch của Nga hôm 25/7, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết, “Các lực lượng Nga tiếp tục củng cố các vị trí của họ ở Zaporizhzhia và Kherson để chuẩn bị đương đầu với các lực lượng phản công Ukraine”.

Các thành phố cảng Biển Đen của Ukraine tiếp tục hứng pháo kích

Các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 8 kho vũ khí tên lửa và pháo của Ukraine tại khu vực Mykolaiv ở miền Nam và tại khu vực Donetsk ở miền Đông, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong cuộc họp giao ban hàng ngày hôm 26/7, Reuters đưa tin.

Trước đó, hôm 26/7, các quan chức Ukraine cáo buộc Nga tiến hành một "cuộc tấn công tên lửa ồ ạt" nhằm vào miền Nam đất nước trong đêm, bao gồm cả các đợt tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng của cảng Mykolaiv và cảng Odessa ở Biển Đen.

Các cuộc tấn công được thực hiện với máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và máy bay chiến đấu của Nga, theo một phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine.

Các cuộc tấn công mới xảy ra vài ngày sau một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào Odessa hôm 23/7, làm dấy lên nghi ngờ về tính khả thi của thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ Odessa và 2 cảng khác mà 2 bên đã đạt được hồi tuần trước, với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung gian.

Việc xuất khẩu ngũ cốc sẽ được thực hiện từ Odessa và hai cảng khác ở Biển Đen, Chernomorsk và Yuzhny, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết, “và chúng tôi muốn đảm bảo rằng tất cả các điều kiện đều phù hợp để tàu đi lại an toàn”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho rằng các cuộc tấn công của Nga vào thành phố cảng chứng tỏ Moscow không đáng tin trong việc giữ lời hứa cho phép các tàu chở ngũ cốc qua lại an toàn đến các khu vực khác trên thế giới đang mong hàng.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 26/7 rằng, Moscow có thể coi tên lửa chống hạm là mối đe dọa chính, ngăn cản các nỗ lực đánh chiếm Odessa của Hạm đội Biển Đen Nga.

"Nga sẽ tiếp tục ưu tiên các nỗ lực làm suy giảm và phá hủy khả năng chống hạm của Ukraine. Tuy nhiên, các quá trình nhắm mục tiêu của Nga rất có thể thường xuyên bị phá hoại bởi thông tin tình báo lỗi thời, kế hoạch kém và cách tiếp cận hoạt động từ trên xuống", Bộ Quốc phòng Anh nhận định.

Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Ukraine công bố hình ảnh cho thấy thiệt hại trên diện rộng theo sau một cuộc tấn công tên lửa vào Zatoka, một thị trấn ven biển thuộc vùng Odessa, miền Nam Ukraine, ngày 26/7/2022.

Lực lượng cứu hộ dọn dẹp các mảnh vỡ tại hiện trường một vụ tấn công tên lửa ở thành phố Chuhuiv, tỉnh Kharkiv, miền Đông Ukraine, ngày 25/7/2022. Ảnh: UPI

Nga hôm 25/7 khẳng định, các cuộc tấn công tên lửa của họ vào các cơ sở quân sự ở Odessa sẽ không ảnh hưởng đến việc thực thi thỏa thuận trên.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, các cuộc tấn công “không liên quan đến cơ sở hạ tầng được sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: "Không có điều khoản nào trong thỏa thuận mà Nga đã ký ở Istanbul ngăn cấm chúng tôi tiếp tục hoạt động quân sự đặc biệt, phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự và các mục tiêu quân sự khác".

Các quan chức của Moscow cũng tuyên bố công khai rằng Nga sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán ngoại giao về việc chấm dứt xung đột, mặc dù các nỗ lực đã trở nên nguội lạnh sau cuộc gặp hồi tháng 3 giữa các bên ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong ngày 26/7, các quan chức Ukraine cũng báo cáo các cuộc tấn công bổ sung của Nga vào thành phố Mykolaiv ở miền Nam và thành phố Kharkiv ở miền Đông Bắc.

Thị trưởng Mykolaiv Olexander Senkevich cho biết, các cuộc tấn công được thực hiện bởi các máy bay xuất phát từ Biển Đen và chúng đã làm hư hỏng cơ sở hạ tầng cảng.

Thị trưởng Kharkiv Igor Terekhov cho biết, một cuộc tấn công của Nga đã nhắm vào trung tâm thành phố.

Đức chuyển giao thêm nhiều vũ khí hạng nặng cho Ukraine

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Christine Lambrecht hôm 26/7 cho biết, Đức đã chuyển giao 3 hệ thống tên lửa phóng loạt MARS II từ kho của Quân đội Đức (Bundeswehr), cũng như 5 pháo phòng không tự hành Gepard và 3 lựu pháo tự hành PzH 2000 cho Ukraine.

“Các hệ thống tên lửa phóng loạt MARS II đã hứa và 3 lựu pháo tự hành PzH 2000 đã được chuyển giao. Chúng tôi đã giữ lời”, Bộ trưởng Lambrecht nói.

Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, hôm 26/7 đã xác nhận việc nhận được vũ khí và cho biết chúng sẽ được triển khai ra tiền tuyến.

“Các hệ thống tên lửa phóng loạt MARS II đã được các đồng minh Đức chuyển giao cho Ukraine”, ông Yermak cho biết trên Telegram.

Hệ thống MARS II của Đức có khả năng mang 2 ổ gồm 12 quả đạn, gấp đôi số đạn mà hệ thống HIMARS của Mỹ có thể mang, và có tầm bắn tương đương HIMARS (70 km), theo Army Regconition.

Một hệ thống tên lửa phóng loạt MARS II của Đức có khả năng mang 2 ổ gồm 12 quả đạn, tầm bắn 70 km. Ảnh: News

Một hệ thống tên lửa phóng loạt MARS II của Đức đang hoạt động. Ảnh: Defence Blog

Theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức, bà Lambrecht cũng cho biết, Đức sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Ukraine sẽ nhận được 30 hệ thống Gepard với khoảng 60.000 viên đạn chủ yếu từ Bundeswehr. Tổng cộng 10 lựu pháo tự hành PzH 2000 cũng sẽ được chuyển giao từ kho dự trữ của Bundeswehr, vị phát ngôn viên cho biết.

Các lực lượng Ukraine cũng sẽ nhận được một radar theo dõi pháo binh Cobra, dự kiến vào tháng 9 tới.

“Thỏa thuận đã được ký kết, bây giờ việc huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dung hệ thống rất phức tạp này bắt đầu”, bà Lambrecht tuyên bố.

Minh Đức (Theo Reuters, CNN, Eurasia Review, UPI)