Thế giới

Nga có thực sự “vũ khí hóa” khí đốt tự nhiên?

An ninh năng lượng của châu Âu đã trở thành tâm điểm trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine ngày một gia tăng.

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, với khoảng 40% nguồn cung cho lục địa này được vận chuyển qua đường ống. Ngoài ra, các nhà cung cấp khí đốt lớn tiếp theo thông qua đường ống là Na Uy (22%), Algeria (18%) và Azerbaijan (9%). Châu Âu cũng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng tàu biển.

Có những lo ngại rằng Moscow - với vai trò nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu - có thể cắt đứt dòng chảy này nếu xung đột nổ ra và các đồng minh phương Tây trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhưng Nga khẳng định, họ chưa từng sử dụng khí đốt tự nhiên như một đòn bẩy địa chính trị. Để củng cố tuyên bố của mình, Moscow chỉ ra rằng, họ đã đáp ứng tất cả các nghĩa vụ hợp đồng liên quan đến xuất khẩu khí đốt.

Các chuyên gia cho rằng, không có bằng chứng nào cho thấy Nga đã cố tình giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu, nơi người tiêu dùng đã chứng kiến hóa đơn năng lượng của họ tăng 100% vào năm ngoái.

“Châu Âu sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Nga về khí đốt ở một mức độ nào đó. Tôi không cho rằng một trong hai bên sẽ làm điều gì để gây nguy hiểm cho mối quan hệ này”, John Bowlus, chuyên gia phân tích năng lượng có trụ sở tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), cho biết.

Điều gì đã xảy ra vào năm ngoái?

Cuộc tranh luận xung quanh vấn đề an ninh năng lượng của châu Âu đã bùng lên vào năm ngoái khi hóa đơn năng lượng tăng mạnh ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đó là do nhu cầu tăng đột biến khi các nhà máy và doanh nghiệp mở cửa sau thời gian ngừng hoạt động kéo dài nhiều tháng trong đại dịch.

Một đợt lạnh kéo dài bất thường đến tháng 5/2021 đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt do các công ty năng lượng châu Âu phải dùng đến nguồn dự trữ từ các bể chứa dưới lòng đất, Graham Freedman, chuyên gia phân tích tại Wood Mackenzie, cho biết.

Gazprom cho biết, họ chuyển ít khí đốt hơn đến EU là do nhu cầu thấp hơn từ người mua châu Âu. Ảnh: CMC Markets

Nga xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua một số tuyến, bao gồm cả đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy Phương Bắc 1), băng qua Biển Baltic để đến Đức.

Châu Âu dự trữ một lượng khí đốt nhất định trong các bồn chứa để dùng khi cần kíp. Và những kho dự trữ đó đã cạn kiệt một cách nhanh chóng.

Hôm 12/2, tồn kho dự trữ khí đốt ở châu Âu ở mức 33%, theo Gas Infrastructure Europe (GIE), một hiệp hội đại diện các công ty khí đốt châu Âu.

Freedman cho biết, giống như các quốc gia châu Âu, Nga đã trải qua một đợt thời tiết lạnh giá kéo dài vào năm ngoái, khiến nước này phải vật lộn để lấp đầy các kho dự trữ năng lượng của chính họ.

Khi giá khí đốt tăng, các công ty đã tạm gác việc làm đầy các kho dự trữ lại. Theo Freedman, thông thường, giá khí đốt vào mùa hè sẽ thấp hơn vào mùa đông. Nhưng mùa hè vừa rồi, giá đã rất cao. Vì vậy, không khó hình dung tại sao các công ty lại tranh thủ bán hàng ra.

Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga sở hữu các bể chứa ngầm ở các nước châu Âu như Đức và Áo.

Sau tình trạng thiếu hàng và giá tăng vọt vào mùa hè năm ngoái, Gazprom đã hứa sẽ nạp đầy các bể chứa của mình ở châu Âu vào cuối năm ngoái, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2021.

“Nhưng điều đó đã không xảy ra”, Freedman cho biết.

Dòng chảy Phương Bắc 2

“Gazprom đã liên tục bán khí đốt dự phòng thường xuyên trong 3-4 năm qua. Nhưng trong nửa cuối năm ngoái, công ty đã ngừng làm việc đó”, Freedman giải thích thêm.

Gazprom cho biết, họ không có công suất rảnh rỗi, nhưng các quan chức phương Tây cho rằng đó là âm mưu của Moscow nhằm làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và chỉ ra ai là người chiếm ưu thế.

“Câu hỏi liệu Gazprom có cố tình giữ lại khí đốt không bán ra thị trường hay không là điều khá khó giải đáp”, Freedman nhận định.

Cuối năm ngoái, căng thẳng về Ukraine leo thang khi Nga phản đối việc đưa một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vào liên minh NATO.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã phủ bóng lên số phận dự án đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2), vốn nhằm tăng cung khí đốt cho châu Âu.

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 giữa Nga và Đức, từng bị Mỹ phản đối, đã được hoàn thành vào tháng 9/2021, nhưng vẫn đang chờ Chính phủ Đức phê duyệt để đi vào hoạt động.

Trong cuộc gặp hôm 7/2 với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ đóng cửa Nord Stream 2 nếu Moscow tiến hành một cuộc xâm lược quân sự vào Ukraine.

Công nhân đậy nắp một đường ống tại công trường xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 gần Kingisepp, Vùng Leningrad, Nga, ngày 5/6/2019. Ảnh: National Review

Giống như các đường ống khác, Nord Stream 2 có khả năng sẽ cung cấp khí đốt theo hợp đồng dài hạn "nhận hoặc trả tiền" (take-or-pay). Loại hợp đồng này sẽ chốt nguồn cung trong khoảng thời gian 10-15 năm với mức giá dựa trên một công thức cố định.

Các quan chức Nga đã công khai tuyên bố họ thích hợp đồng dài hạn hơn hợp đồng giao ngay. Hợp đồng dài hạn sẽ giúp đảm bảo Gazprom có những khách hàng trả tiền mua khí đốt. Cơ chế này cho phép công ty thu hồi vốn đầu tư đã đổ vào việc sản xuất khối lượng khí đốt đó.

Bất kỳ mối đe dọa nào đối với dự án này đều có thể buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải phản ứng, theo Arab News. Phản ứng rất có khả năng xảy ra là Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống hiện có.

Trong trường hợp xấu nhất, theo báo cáo từ tập đoàn Wood MacKenzie của Anh, các nước châu Âu sẽ khó có thể tìm được đủ nguồn cung thay thế để đáp ứng nhu cầu, và dự trữ khí đốt của châu lục này sẽ cạn kiệt chỉ sau 6 tuần.

“Chúng ta sẽ đối mặt với một tình huống thảm khốc là gần như không còn chút khí đốt nào trong kho dự trữ cho mùa đông tới”, hãng tư vấn năng lượng này cảnh báo. “Kịch bản này nhấn mạnh việc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga như thế nào và vai trò quan trọng của ngoại giao và sự nhạy cảm thương mại để đảm bảo nguồn cung khí đốt tiếp tục chảy”.

LNG có thể thay thế khí đốt từ Nga?

Trong những tuần gần đây, các quan chức Mỹ đã cố gắng huy động các nguồn cung khí đốt thay thế cho châu Âu, bao gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), loại nhiên liệu siêu lạnh được vận chuyển bằng tàu biển.

Mặc dù LNG là một lựa chọn, nhưng nó đắt hơn so với khí được cung cấp qua đường ống.

Trong những tháng gần đây, theo The Conversation, nhập khẩu LNG của châu Âu từ Mỹ và các nơi khác đã đạt mức kỷ lục khoảng 400 triệu m3 mỗi ngày. Nói cách khác, một con tàu chở LNG với sức chứa khoảng 125.000-175.000 m3 khí đốt tự nhiên có thể đủ năng lượng để sưởi ấm 17 triệu ngôi nhà ở Anh trong một ngày mùa đông.

Cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) GATE ở Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: Valvetight

Nhưng nhìn chung, LNG vẫn đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu khí đốt của EU khi so sánh với khí đốt được cung cấp qua đường ống, Bowlus - nhà phân tích đến từ Istanbul cho biết. Ông nói: “Tôi không nghĩ LNG có thể đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Không có đủ cơ sở hạ tầng để giao và nhận loại hàng đặc biệt này để có thể thay thế cho khí đốt từ Nga”.

Tuy nhiên, theo The Economist, châu Âu có đủ năng lực để tiếp nhận khối lượng LNG bổ sung và có thể xử lý lượng LNG đủ để thay thế 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga qua đường ống.

Khí tự nhiên hóa lỏng là khí tự nhiên được dẫn vào các cơ sở xuất khẩu, nơi nó được làm lạnh đến -260 độ F (tương đương -126 độ C). Sau quá trình này, nó sẽ biến thành dạng lỏng và được lưu trữ trong các bồn chứa lạnh. Các công ty như Flex LNG vận chuyển nhiên liệu giữa các lục địa trong các tàu chở dầu khổng lồ chuyên dụng.

Các tàu này được vận hành bởi các thủy thủ đoàn có chuyên môn, chỉ cập bến tại các cảng chuyên dụng và tuân theo các quy định đặc biệt cao.

Để nhận LNG, một cảng hạ tải phải có một nhà máy tái khí hóa để chuyển LNG trở lại dạng khí để nó có thể được gửi bằng đường ống đến người dùng cuối. Cả nhà máy hóa lỏng khí và nhà máy tái khí hóa đều tiêu tốn hàng tỷ USD và mất nhiều năm để xây dựng.

Nhiều tàu chở LNG từ Mỹ trên đường tới châu Á đã chuyển hướng sang châu Âu nơi khủng hoảng năng lượng khiến mức chênh lệch giá cả giữa hai địa điểm tăng cao. Ảnh: FleetMon

The Conversation cho biết, sau cuộc khủng hoảng tương tự vào năm 2009, khi xung đột tài chính với Ukraine khiến Nga phải đình chỉ vận chuyển khí đốt trong 20 ngày, về cơ bản, châu Âu đã mở rộng số lượng cơ sở tái khí hóa lên thành 29 cơ sở.

Hiện châu Âu vẫn còn đủ hạ tầng để nhập khẩu nhiều LNG hơn, theo The Conversation. Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp LNG hàng đầu trên thế giới đã hoạt động hết công suất và khó có khả năng tăng nguồn cung thêm nữa.