Thế giới

Nga chính thức tạm ngừng cấp khí đốt cho Đức qua Nord Stream 1

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn đang chạy đua để “cai nghiện” khí đốt Nga trong khi cố gắng xoay sở để đảm bảo có thể an toàn vượt qua mùa đông năm nay.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã đình chỉ tất cả các nguồn cung khí đốt cho Đức thông qua đường ống Nord Stream 1, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine làm gia tăng lo ngại về nguồn cung năng lượng cho châu Âu.

“Nguồn cung thông qua Nord Stream 1 hoàn toàn bị ngừng lại để phục vụ công tác bảo dưỡng bắt đầu hôm nay tại một tổ máy nén khí”, Gazprom cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn hôm 31/8.

Ông Klaus Mueller, Giám đốc Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức (BNetzA), gọi đây là một quyết định “không thể hiểu được về mặt kỹ thuật”, đồng thời cảnh báo rằng đây có thể chỉ là một cái cớ của Moscow để sử dụng nguồn cung năng lượng như một mối đe dọa.

Kinh nghiệm cho thấy Moscow “đưa ra quyết định chính trị sau mỗi lần được gọi là bảo trì”, ông Mueller nói và cho biết thêm rằng mọi sự sẽ rõ ràng sau ngày 2/9 khi quá trình bảo trì 3 ngày kết thúc.

Tuy nhiên, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 30/8 tuyên bố: “Có một sự đảm bảo rằng, ngoài các vấn đề công nghệ do các lệnh trừng phạt gây ra, không có gì gây trở ngại” đối với việc vận chuyển khí đốt.

Châu Âu đã phải đối mặt với việc giá năng lượng tăng vọt khi Nga hạn chế cung cấp khí đốt theo sau xung đột ở Ukraine, nay đã bước sang tháng thứ 7.

Các đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu. Đồ họa: Daily Mail

Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, đã cáo buộc Moscow sử dụng năng lượng như một “vũ khí”. Đồng thời, với mối lo ngại về nguồn cung bị hạn chế, các công ty Đức đã chủ động cắt giảm việc sử dụng năng lượng của họ.

BNetzA cho biết, ngành công nghiệp của nền kinh tế số 1 châu Âu tiêu thụ ít hơn 21,3% lượng khí đốt trong tháng 7 so với cùng kỳ các năm từ 2018 đến 2021.

Ông Mueller cho rằng động thái “đi trước một bước” như vậy “có thể cứu nước Đức khỏi tình trạng khẩn cấp về khí đốt trong mùa đông này”.

Và nền kinh tế lớn nhất “lục địa già” vẫn đang chạy đua để “cai nghiện” khí đốt Nga trong khi cố gắng xoay sở để đảm bảo có thể an toàn vượt qua mùa đông năm nay.

“Các điểm lưu trữ khí đốt ở Đức gần như đã đầy 85% và chúng tôi có thể tích trữ khí đốt trong suốt mùa đông”, ông Mueller cho biết trên Twitter hôm 31/8, sau khi Nord Stream 1 ngừng chảy như đã thông báo.

Tại thành phố ven biển Lubmin của Đức, nơi Nord Stream 1 vào bờ, các kế hoạch chuyển đổi sang khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang được tiến hành.

LNG, được vận chuyển bằng tàu biển, sau khi cập cảng công nghiệp ở Lubmin, sẽ được tái khí hóa và bơm vào mạng lưới phân phối của Gascade, một hệ thống cho đến nay vẫn được sử dụng để vận chuyển khí đốt Nga tới khắp mọi miền của đất nước nằm ở “trái tim” của châu Âu.

Thủ đô Berlin tắt hệ thống chiếu sáng một số địa danh trong thành phố để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Yahoo!News

Ông Stephan Knabe, đai diện của Deutsche ReGas - công ty quản lý dự án LNG, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng có thể bơm khí vào mạng lưới phân phối vào ngày 1/12”.

Công ty tin rằng có thể nhập khẩu tới 4,5 tỷ m3 khí đốt chỉ riêng qua nhà ga Lubmin LNG, chiếm khoảng 8% công suất của Nord Stream 1.

Trong khi đó, châu Âu với tư cách là một khối, đang chuẩn bị thực hiện hành động khẩn cấp để cải cách thị trường điện nhằm kiểm soát tình trạng giá năng lượng tăng phi mã. Nỗi lo thiếu khí đốt tự nhiên đã khiến các hợp đồng tương lai đối với điện ở Pháp và Đức lên mức kỷ lục.

Minh Đức (Theo TRT World, Bloomberg)