Thế giới

Nga bổ sung 9,5 tỷ USD vào quỹ dự trữ khẩn cấp

Quỹ dự trữ khẩn cấp của Nga dùng để bù đắp thâm hụt quốc gia, hỗ trợ các chi tiêu xã hội như tăng lương hưu gần đây và ứng phó với khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra.

Chính phủ Nga mới đây đã bổ sung 551,4 tỷ rúp (9,5 tỷ USD) vào quỹ dự trữ khẩn cấp khi Điện Kremlin tăng gói kích thích nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Chính phủ Nga cho biết trong một thông báo: "Các khoản tiền này sẽ được sử dụng một phần để thực hiện những biện pháp nhằm đảm bảo phát triển kinh tế ổn định trong điều kiện khó khăn từ bên ngoài".

Nguồn tăng dự trữ đến từ lợi nhuận trong hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của nước này, giúp mang lại hàng trăm triệu USD mỗi ngày vào ngân sách bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga, bao gồm đóng băng khoảng một nửa dự trữ vàng và ngoại tệ (tương đương hoặc 300 tỷ USD) của ngân hàng trung ương Moscow sau khi Tổng thống Vladimir Putin triển khai "hoạt động quân sự đặc biệt"vào Ukraine bắt đầu hôm 24/2.

Nga trước đây đã chuyển lợi nhuận từ dầu và khí đốt vào quỹ tài sản có chủ quyền trị giá 198 tỷ USD của mình, một quỹ dùng để tài trợ cho các dự án đầu tư lớn. Nhưng quỹ dự trữ khẩn cấp là một nguồn tiền mặt linh hoạt hơn, cho phép chính phủ bù đắp thâm hụt quốc gia, hỗ trợ các chi tiêu xã hội như việc tăng lương hưu gần đây và ứng phó với những cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra.

Chính phủ đã bổ sung 791,6 tỷ rúp (13,56 tỷ USD) vào quỹ tương tự hồi tháng 5. Điện Kremlin đã bắt đầu triển khai các nguồn lực để hỗ trợ những doanh nghiệp lớn nhất của đất nước, lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ.

Ngân hàng trung ương của Nga ở thủ đô Moscow. Ảnh: TASS.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới được công bố vào tháng 6, Ngân hàng thế giới (WB) đã dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2022 sẽ giảm 8,9%, phản ánh nhu cầu trong nước giảm mạnh và xuất khẩu giảm. GDP của Nga dự kiến sẽ tiếp tục giảm 2% vào năm 2023, do tác động của việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ từ Moscow làm giảm xuất khẩu ròng.

Vào tháng 5, chính phủ Nga đã đầu tư 4 tỷ USD cho công ty đường sắt Russian Railways và cam kết đầu tư 1,75 tỷ USD cho hãng hàng không quốc doanh Aeroflot. 

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, World Bank)