Thế giới

Gần 1.000 binh sĩ Ukraine đã đầu hàng Nga tại Mariupol

Bộ Quốc phòng Nga hôm 18/5 đã ban hành bản cập nhật mới nhất về chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.

Bản cập nhật cho biết, tổng cộng 959 binh sĩ Ukraine từ nhà máy thép Azovstal thuộc thành phố cảng Mariupol đã đầu hàng kể từ hôm 17/5.

Riêng trong 24 giờ qua, số binh sĩ Ukraine ra hàng là 694 người.

Tổng cộng có 80 binh sĩ Ukraine đã đầu hàng bị thương, 51 người trong số họ đã được đưa đến bệnh viện.

Ngoài ra, trong bản cập nhật trên, người Nga tuyên bố rằng họ đã thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa vào miền Đông Ukraine, ở khu vực Soledar của vùng Donetsk.

Nga cũng tấn công lính đánh thuê nước ngoài, phá hủy một máy bay Su-24, kho vũ khí và hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Ukraine.

Ngoài ra, 76 điểm kiểm soát và 421 điểm tập kết quân và pháo, trong đó có 147 pháo và súng cối, với tên lửa và pháo binh, cũng là mục tiêu tấn công của Nga.

Nga đã bắn trúng một khẩu đội pháo M777 155 mm của Ukraine do Mỹ sản xuất, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

Các tuyên bố chưa được xác minh độc lập.

Xe quân sự của Nga hộ tống xe buýt chở quân nhân Ukraine đang được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, miền Nam Ukraine. Ảnh: The Guardian

Liên quan đến các binh sĩ được đưa ra khỏi nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, các quan chức quân đội Ukraine cho biết, họ vẫn hy vọng các binh sĩ này có thể trở thành một phần của một chương trình trao đổi tù binh với Nga.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp Nga có kế hoạch đưa ra một giải pháp ngăn chặn việc trao đổi các binh sĩ Ukraine được cho là thành viên của Tiểu đoàn Azov theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu của Ukraine.

Các binh sĩ Ukraine đã cầm cự hàng tháng trời bên trong nhà máy luyện thép Azovstal trong khi thành phố cảng Mariupol bị bao vây.

Hôm 16/5, những binh sĩ Ukraine đầu tiên đã được đưa ra khỏi khu nhà máy đến các khu vực do Nga kiểm soát.

Không rõ hiện còn bao nhiêu binh sĩ Ukraine vẫn còn mắc kẹt ở lại địa điểm ngổn ngang này, nơi được cho là pháo đài cuối cùng của quân kháng chiến Ukraine ở Mariupol.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết, các cuộc đàm phán về việc giải phóng các binh sĩ đang diễn ra trong khi một số được cho là vẫn ở bên trong nhà máy.

Lãnh đạo vùng ly khai Donetsk Denis Pushilin cho biết, tòa án sẽ quyết định số phận của các chiến binh Ukraine, một phương tiện truyền thông địa phương đưa tin.

Nước NATO đầu tiên phê chuẩn đơn xin kết nạp của Phần Lan, Thụy Điển

Nội các Chính phủ Đức đã chấp thuận yêu cầu của Phần Lan và Thụy Điển về việc gia nhập NATO, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann cho biết hôm 18/5, chẳng bao lâu sau khi 2 quốc gia Bắc Âu nộp đơn xin gia nhập.

“Chúng tôi cam kết ủng hộ quy trình kết nạp nhanh chóng”, ông Buschmann cho biết trên Twitter.

Ông Buschmann là một thành viên của Đảng Dân chủ Tự do (FDP), là một bộ phận của liên minh cầm quyền “đèn giao thông” của Đức. Liên minh này được gọi như vậy là xuất phát từ màu sắc truyền thống của ba đảng (đỏ của Đảng Dân chủ Xã hội-SDP, vàng của FDP, và xanh của Đảng Greens).

Cùng ngày, Ý cũng tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển và sẵn sàng đẩy nhanh mọi thủ tục nội bộ để 2 nước gia nhập liên minh càng sớm càng tốt, Thủ tướng Ý Mario Draghi nói.

Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào sáng ngày 18/5/2022, đánh dấu một bước chuyển đổi lớn khỏi chính sách phi liên kết quân sự của 2 quốc gia Bắc Âu. Ảnh: Financial Times

EU đề xuất thêm khoản viện trợ 9 tỷ Euro cho Ukraine

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 18/5 đã đề xuất viện trợ thêm cho Ukraine trong năm nay lên tới 9 tỷ Euro (9,5 tỷ USD).

Phát biểu trong một tuyên bố được phát sóng, bà von der Leyen cho biết, khoản viện trợ này sẽ giúp đất nước đối phó với sự tàn phá do hậu quả của cuộc xung đột với Nga.

Chủ tịch EC cho biết, đã đến lúc nghĩ đến việc tái thiết Ukraine, đồng thời tuyên bố EU có "lợi ích chiến lược trong việc dẫn đầu nỗ lực tái thiết này".

Bên cạnh đó, bà von der Leyen cho biết, EU cũng có ý định huy động tới 300 tỷ Euro đầu tư vào năm 2030 để chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào dầu mỏ và khí đốt Nga.

Các khoản đầu tư sẽ bao gồm 10 tỷ Euro cho cơ sở hạ tầng khí đốt, 2 tỷ Euro cho dầu và phần còn lại cho năng lượng sạch, bà von der Leyen nói với các phóng viên.

Minh Đức (Theo DW, The Guardian, Reuters)