Sự kiện

Nếu VinaSun thắng kiện Grab: Có thể là một tiền lệ án

Sau khoảng thời gian gần 2 năm kiện cáo, trong phiên xét xử mới nhất chiều 23/10, Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của VinaSun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên, một công ty taxi truyền thống kiện một đơn vị kinh doanh theo loại hình kinh tế chia sẻ.

Nhìn nhận về vụ kiện, luật sư Nguyễn Văn Thái (Văn phòng luật sư Bross và cộng sự) đánh giá: “Việc VinaSun khởi kiện Grab là quyền được pháp luật cho phép, khi VinaSun cho rằng mình bị Grab xâm hại quyền lợi hợp pháp và phải cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của của mình là có căn cứ”.

Đúng sai phải soi vào pháp luật

Luật sư Nguyễn Văn Thái chỉ rõ: “Việc VinaSun cho rằng Grab không chỉ cung cấp nền tảng kết nối, mà còn kinh doanh dịch vụ vận tải, đưa ra hành vi của Grab vi phạm các quy định pháp luật của Việt Nam như Luật Thương mại, Luật Lao động, Thương mại điện tử, Thuế... hiện nay, vẫn chỉ dừng lại ở quan điểm của một bên đương sự trong vụ án theo hướng chứng minh có lợi cho mình. Chỉ có HĐXX mới có quyền đánh giá trên cơ sở chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, quyết định những hành vi này có sai phạm hay không”.

“Để Grab phải chịu trách nhiệm, VinaSun buộc phải chứng minh đủ 4 yếu tố: (1) Grab có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam; (2) Grab có lỗi đối với hành vi vi phạm pháp luật đó; (3) VinaSun có bị thiệt hại và (4) hành vi vi phạm của Grab và thiệt hại của VinaSun có mối quan hệ nhân quả.

Nếu VinaSun có đủ chứng cứ chứng minh để thuyết phục tòa án, dù Grab không phải là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, vẫn phải bồi thường thiệt hại mà hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra” - Luật sư Thái cho biết.

 

Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân, luật sư Thái khẳng định: “Thật khó để chứng minh đủ cả 4 yếu tố này và chứng minh doanh thu giảm sút của VinaSun hoàn toàn do hành vi vi phạm của Grab (nếu có)”. Trường hợp Grab thắng vụ kiện, tức không có nghĩa vụ bồi thường cho VinaSun, Grab vẫn có thể bị xử lý bình thường theo đúng quy định của pháp luật, bởi, qua vụ kiện đã phát hiện Grab có những vi phạm pháp luật của Việt Nam.

Luật sư Thái cũng chỉ ra: “Trong đăng ký doanh nghiệp của Grab có ngành nghề kinh doanh dịch vụ vận tải, cũng không hẳn họ đã kinh doanh dịch vụ này. Ví dụ, một doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhưng thực tế không có nhà hàng, khách sạn để kinh doanh. Họ có thể cung cấp ứng dụng đặt phòng khách sạn, giá niêm yết, thống nhất với chủ sở hữu khách sạn và hưởng phí trên giao dịch đặt phòng thành công, như vậy họ không có kinh doanh dịch vụ khách sạn”.

Luật sư Thái trao đổi thêm: "Chưa hết, giả sử Grab có vi phạm và VinaSun có bị thiệt hại như yêu cầu khởi kiện, nhưng trong suốt 4 năm qua, ngoài Grab còn có những đơn vị khác cũng cung cấp ứng dụng công nghệ vào dịch vụ giao dịch khác, nếu các đơn vị này cũng có hành vi vi phạm pháp luật và cũng gây ra thiệt hại cho VinaSun, thì không thể buộc Grab phải chịu toàn bộ trách nhiệm, mà phải xem xét tới phần trách nhiệm tương ứng của mỗi đơn vị. Đây hoàn toàn có thể là một tiền lệ án, để các hãng taxi truyền thống khác như Mai Linh, Thành Hưng, Ba Sao,... cùng khởi kiện Grab. Vấn đề là không phải doanh nghiệp nào cũng có đầy đủ chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện có căn cứ, khi đó doanh nghiệp đó có thể bị tòa án bác yêu cầu khởi kiện".

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: "Ngay việc xác định loại hình kinh doanh đối với Grab cũng đang có nhiều tranh cãi là kinh doanh vận tải hay chỉ đơn thuần là kinh doanh nền tảng công nghệ cũng chưa thực sự thuyết phục".

"Trong một vụ án, việc xác định tư cách chủ thể cũng vô cùng quan trọng, từ nguyên đơn và bị đơn cho đến những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ở đây chúng ta đều đang thấy mọi việc đang được xuất phát từ đề án 24 về thí điểm cho Grab hoạt động tại Việt Nam. Nếu tại phiên tòa, đại diện của bộ Giao thông không tham gia với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để trả lời, giải trình về đề án này cũng rất khó cho tòa án trong việc xác định hành vi vi phạm pháp luật của Grab, để có căn cứ chấp thuận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như đề nghị của VKS" - Luật sư Truyền giải thích thêm.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Từ vụ VinaSun kiện Grab, câu hỏi đặt ra tương tự giữa các cơ sở kinh doanh truyền thống và trang thương mại điện tử (TMĐT), là nếu VinaSun thắng có tạo tiền lệ cho cơ sở kinh doanh truyền thống khởi kiện các trang TMĐT?

Luật sư Nguyễn Thế Truyền khẳng định: "Việc có tạo ra tiền lệ hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là phần nhận định cũng như xét thấy trong bản án sẽ là những lý lẽ để tiền lệ đó cơ sở hay không? Như trong vụ việc VinaSun khởi kiện, đầu tiên phải ủng hộ tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi việc liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đã được thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật. Đây là cách hành xử văn minh mà các tổ chức, cá nhân nên tận dụng hết quyền năng".

Luật sư Nguyễn Văn Thái nhận định: “Việc VinaSun thắng kiện hay thua kiện, không làm phát sinh hay loại bỏ quyền khởi kiện của các cơ sở kinh doanh truyền thống đối với bất kỳ chủ thể nào gây thiệt hại cho họ.

Các chủ thể tham gia kinh doanh đều có quyền khởi kiện bất kỳ chủ thể nào có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho họ (bao gồm cả các doanh nghiệp quản lý hoặc kinh doanh theo hình thức TMĐT) để tòa án xem xét bảo vệ trên cơ sở pháp luật”.

“Pháp luật công bằng và bảo vệ tất cả các cá nhân, pháp nhân tham gia hoạt động kinh doanh hợp pháp. Các trang TMĐT nếu vi phạm pháp luật đều có thể bị xử lý. Ngoài các quy định pháp luật điều chỉnh chung cho hoạt động kinh doanh như các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh truyền thống. Các chủ thể có hình thức kinh doanh theo hình thức trang TMĐT còn phải chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật riêng như: Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT và các văn bản hướng dẫn thi hành” - luật sư Thái cho biết thêm.

Luật sư Nguyễn Văn Thái (Văn phòng luật Bross và cộng sự).

Luật sư Nguyễn Thế Truyền bày tỏ quan điểm: “Bản thân thị trường có quy luật và tiếng nói riêng. Khi xã hội vận động từ môi trường truyền thống sang môi trường không gian mạng phù hợp với các quy luật phát triển thị trường thì việc có các hành lang pháp lý cho môi trường mới là cần thiết, cũng như việc có những chính sách để bảo đảm cho các mô hình truyền thống được phát huy các thế mạnh của mình là điều cần thiết”.

 

Luật sư Nguyễn Văn Thái nhận định: "Pháp luật được sinh ra là do nhu cầu của xã hội, khi phát sinh các quan hệ xã hội mới cần chuẩn mực cư xử chung để điều chỉnh thì các quy định pháp luật tương ứng được xây dựng để điều chỉnh. Thực tế, trong thời gian qua đã phát sinh rất nhiều giao dịch, quan hệ xã hội mới phát sinh, nhưng hành lang pháp lý chưa có và chưa được ban hành kịp thời cũng là điều dễ hiểu.

An Nhiên