Giáo dục

"Nếu vẫn chỉ cầm phấn dạy học thì không cần nghĩ đến chuyển đổi số"

Chuyển đổi số giáo dục là xu hướng tất yếu nhưng cần phải thay đổi ngay từ tư duy và cách tiếp cận từ đó mới sớm đạt hiệu quả.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022), hội thảo Xu hướng và giải pháp chuyển đổi số ngành giáo dục đào tạo đã được diễn ra nhằm thảo luận về những bước đi sắp tới đối với giáo dục số hậu Covid-19.

Đưa ra bức tranh toàn cảnh về chuyển đổi số giáo dục, ông Lê Trung Nghĩa, Ủy viên BCH Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam bày tỏ rằng chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế không thể đảo ngược diễn ra trên quy mô toàn cầu: “Sau năm 2019, cả thế giới gặp đại dịch Covid-19,  đã làm tác động vào hoạt động từ xa, tăng tốc chuyển đổi số giáo dục. Điển hình, UNESCO đã thành lập nhiều nhóm để triển khai mục tiêu giáo dục mở, khuyến nghị khoa học mở và đang diễn ra trên khắp các nước”.

Trước xu hướng trên, nhiều nền giáo dục đã xây dựng tài nguyên giáo dục mở, xây dựng năng lực, phát triển chính sách hỗ trợ, xây dựng tài nguyên giáo dục mở, nuôi dưỡng sự sáng tạo, khai thác sự thuận lợi của công nghệ thông tin để phát triển giáo dục.

Phải chuyển đổi số một cách linh hoạt

Giáo dục số có mối liên hệ với thực tiễn

Tuy là xu thế chung, nhưng hoạt động này ở Việt Nam vẫn có nhiều khó khăn vướng mắc. Ngoài vấn đề trang thiết bị, nhiều chuyên gia chú trọng hơn cả về vấn đề nội dung.

Đối với cách thức chuyển đổi, ông Phạm Ngọc Đức, Chuyên gia xây dựng nội dung số giáo dục đánh giá: “Trong chuyển đổi số giáo dục, ngoài hệ sinh thái và phần mềm điều quan trọng đó là nội dung sẽ được chuyển đổi như thế nào”.

Theo chuyên gia, ngoài quan tâm đến thiết bị, các ứng dụng thì nên đi sâu vào dữ liệu, cách thức số hóa, chuyển đổi nội dung giảng dạy truyền thống lên môi trường số rất quan trọng và cần lưu ý.

Chia sẻ cách thức, kinh nghiệm quy trình chuyển đổi số nội dung giáo dục, ông Đức cũng ghi nhận rằng trong quá trình chuyển đổi cũng có những ứng dụng thành công và không tránh khỏi nhiều lần thất bại.

Đề đạt được hiệu quả, cần thực hiện một số bước chuyển đổi giáo dục truyền thống sang giáo dục số.

Ông Phạm Ngọc Đức bày tỏ: “Cần thay đổi cách tiếp cận bài học, hiện nay chúng ta vẫn đang phải lên lớp và truyền tải kiến thức cho học sinh, nếu muốn số hóa thì phải phát triển tính năng mới cho giáo án.

Nếu vẫn chỉ sử dụng phấn hay đơn thuần là slide trình chiếu thì không cần nghĩ đến chuyển đổi số, khi đã có tư duy chuyển đổi thì cần phải thay đổi ngay từ những bước xây dựng giáo án. Để làm được phải có một ban chuyển đổi số, am hiểu sâu về công nghệ phối hợp với bộ phận giáo viên để tìm ra những chương trình phù hợp”.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Sau đó để đạt hiệu quả, cần sự hỗ trợ của giáo viên trong việc áp dụng những nội dung số vào lớp học tực tiễn để người học được trải nghiệm. Tuy nhiên, tại bước này cần ghi nhận phản hồi của học sinh, sin viên để cải tiến nội dung. Đặc biệt, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo viên, tổ chuyên môn và bộ phận chuyển đổi số.

Qua kinh nghiệm, chuyên gia thấy được môi trường số mang lại nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo.

“Việc dạy học trên nền tảng số không bó hẹp, chuyển đổi cứng nhắc. Mà cần linh hoạt các hình ảnh, ví dụ từ thực tiễn để học sinh vừa học kiến thức, vừa giải quyết được những tình huống ngoài cuộc sống nhưng không mất nhiều chi phí, học liệu.

Khi có nội dung số, dạy học truyền thống thầy giảng trò nghe sẽ không còn mà chuyển thành dạy học giải quyết vấn đề”, chuyên gia bày tỏ.

Nội dung số giúp cho giáo viên có thể trình bày tường minh, hấp dẫn, người học có nhiều quan sát và gợi mở hơn so với giảng dạy truyền thống.

Ngoài ra, thầy cô nên cung cấp cho bộ phận chuyển đổi số những kiến thức cần truyền tải, thái độ cần đạt được trong buổi học và kỹ năng người học cần có, từ những yêu cầu đó, người chuyển đổi phải số hóa trực quan, chuyển đổi thành dạy học tương tác.