Thế giới

Nếu Ukraine được lắng nghe ngay từ đầu thì sự đã khác…

Phương Tây đã không tin rằng các lực lượng Ukraine sẽ trụ nổi một vài tuần trước Nga, nước có quy mô quân đội lớn hơn nhiều.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Politico, được đăng tải ngày 10/5, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã phàn nàn về sự miễn cưỡng của phương Tây trong việc gửi vũ khí cho Kiev trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột giữa nước này và Nga.

Ông cho rằng nếu phương Tây làm như vậy từ sớm, hàng nghìn sinh mạng có thể đã được cứu.

“Nếu ngay từ đầu chúng tôi được lắng nghe và nhận được tất cả các loại vũ khí mà chúng tôi cần, nếu chúng tôi không phải dành nhiều thời gian để giải thích với các đối tác ở châu Âu và ở Mỹ tại sao chúng tôi cần cụ thể loại vũ khí này chứ không phải loại khác, chúng tôi đã có thể nhận được tất cả những vũ khí mình cần ngay bây giờ”, Ngoại trưởng Kuleba nói trong cuộc phỏng vấn.

Ông cho biết thêm rằng, Mỹ đã dành nhiều tuần để xem xét các kho dự trữ vũ khí cũ từ thời Liên Xô trên khắp thế giới mà họ có thể gửi đến Ukraine, và chỉ sau khi nhận ra rằng các loại vũ khí như vậy gần như không còn, thì mới quyết định chuyển giao vũ khí phương Tây.

Ông Dmytro Kuleba, năm nay 41 tuổi, là Bộ trưởng Ngoại giao trẻ nhất của Ukraine, mới nhận nhiệm được hơn 2 năm nhưng đã nhanh chóng giành được sự tín nhiệm của Tổng thống Ukraine. Ảnh: Politico

Vị quan chức Ukraine thừa nhận Mỹ có cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin mà nước này cần ngay từ sớm để thành công bảo vệ thủ đô Kiev.

Tuy nhiên, ông cũng thấy một điều khác ở đây. Ông nói: Các đồng minh đã không tin rằng các lực lượng Ukraine sẽ trụ nổi một vài tuần trước Nga, nước có quy mô quân đội lớn hơn nhiều.

Theo ông Kuleba, bước ngoặt là hội nghị quốc phòng tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Tây Nam nước Đức, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley thuyết phục các đồng minh châu Âu chuyển giao vũ khí NATO cho Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với Politico, ông Kuleba cũng cho biết, các mục tiêu của cuộc xung đột hiện đã thay đổi. Những gì Nga đã làm với đất nước của ông đã thay đổi cách Ukraine nghĩ về chiến thắng.

Khi cuộc xung đột bắt đầu, Ukraine coi chiến thắng nghĩa là ngăn các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát thêm bất kỳ lãnh thổ nào ngoài hiện trạng đã duy trì trong 8 năm qua, thì giờ đây, với Kiev, chiến thắng nghĩa là giành lại quyền kiểm soát trên toàn lãnh thổ của Ukraine.

“Tất nhiên, chiến thắng cuối cùng đối với Ukraine là giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Và các khoản thanh toán của Nga cho mọi thứ… cho tất cả những thiệt hại [đã] gây ra cho chúng tôi”, Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố.

Nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là một chiến thắng quân sự toàn diện.

Ông nói, mục tiêu của Ukraine và công việc của ông hiện tại, "với tư cách là một Ngoại trưởng thời chiến", là đảm bảo Kiev ở vị thế mạnh nhất có thể khi đến thời điểm ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột.

Điều đó có nghĩa là ông sẽ nỗ lực để Ukraine có được càng nhiều vũ khí mình cần, để đảm bảo rằng thế giới áp đặt càng nhiều lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Nga càng tốt.

Quang cảnh đổ nát tại thị trấn Irpin, ngoại ô thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 29/4/2022. Ảnh: New York Post

Minh Đức (Theo Politico.eu, Al Jazeera)