Góc nhìn luật gia

Nếu trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tử vong, người mẹ sẽ chịu mức án như thế nào?

Pháp luật quy định cha mẹ không được bỏ rơi con cái, nhưng việc đau lòng ấy vẫn liên tục xảy ra trong thời gian qua. Đáng nói, mẹ bỏ rơi con nhỏ, trẻ sơ sinh ngày càng nhiều, trong đó có trường hợp trẻ bị bỏ rơi tử vong thương tâm.

Nói về thực trạng đau lòng này, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: “Thực tế, đối tượng thường bỏ rơi con nhỏ, trẻ sơ sinh là những phụ nữ gặp hoàn cảnh éo le. Họ thường bị chồng bỏ, lỡ mang thai cùng người mình yêu, gia đình không chấp nhận, thân phận làm công nhân không đủ chi phí sinh nở và nuôi con… Những đứa con ra đời không mong muốn đó, đã bị chính người mẹ của mình bỏ rơi”.

Cũng theo luật sư Tuấn, phần lớn những phụ nữ này chưa đủ trình độ, kiến thức pháp luật để nhìn nhận lỗi lầm của bản thân. Vả lại, nhiều vụ việc trẻ bị bỏ rơi, không tìm được cha mẹ để xử lý trách nhiệm nên một bộ phận người dân mặc định hành vi này không hoặc ít bị xử lý thích đáng.

Đáng nói, ngoài những trường hợp bỏ rơi trẻ ở bệnh viện, chùa miếu, trước cửa nhà dân, một số trường hợp nhẫn tâm bỏ rơi con vừa sinh ở các địa điểm nguy hiểm như: Chỗ tối vắng, treo cành cây, nhà vệ sinh,... Báo chí đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ tử vong vì bị bỏ rơi ở những địa điểm vừa nêu.

Về các quy định pháp luật hiện hành về việc xử phạt hành vi bỏ rơi con cái, luật sư Bùi Quốc Tuấn phân tích cặn kẽ: “Trước hết, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho UBND hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo”.

Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được người khác chăm sóc. (Ảnh minh họa).

“Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch UBND xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi. UBND cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng. Sau khi lập biên bản, UBND xã phải tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi. Nếu hết thời hạn niêm yết mà không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ.

Trong trường hợp này, cán bộ đăng ký ghi nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.

Ngoài ra, nếu cá nhân nào muốn nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi thì phải đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc… Về thủ tục nhận nuôi con nuôi, bên nhận nuôi phải nộp hồ tại UBND cấp xã mình thường trú. Hồ sơ của người xin nhận con nuôi gồm: Đơn xin nhận nuôi con nuôi, bản sao hợp lệ CMND, văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân…”, luật sư Tuấn cho biết.

Cũng theo luật sư Tuấn, về hành vi vứt bỏ trẻ sơ sinh của cha mẹ dù vì lý do gì đi chăng nữa đều là hành vi đáng lên án, cần phải ngăn chặn. Hành vi vứt bỏ con đẻ có thể bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 nếu có đủ căn cứ và cấu thành tội.

Nếu việc vứt bỏ là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm trẻ sơ sinh tử vong, người mẹ có thể bị truy tố tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Cụ thể, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, trường hợp vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp, đứa trẻ bị bỏ rơi trên 7 ngày tuổi mà bị chết, người mẹ có thể bị truy tố tội Giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự) hình phạt cao nhất là tử hình hoặc phạm tội Vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự) hình phạt cao nhất là 10 năm, tùy thuộc vào việc chứng minh nhận thức chủ quan của người phạm tội, hay nói cách khác là phụ thuộc vào việc xác định lỗi của người phạm tội sau khi thực hiện hành vi bỏ đứa trẻ.

Trường hợp, đứa trẻ bị vứt bỏ không chết, cha mẹ vứt bỏ con có thể bị xử lý hành chính theo quy định Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013 thì cha mẹ bỏ rơi con có thể bị phạt hành chính từ 10 triệu đồng – 15 triệu đồng với hành vi bỏ rơi con và bị buộc thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con theo quy định.