Tiêu điểm thế giới

Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ tiếp tục "giải bài toán" Triều Tiên như thế nào?

Chính sách của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên sẽ mang tính kế thừa thay vì có sự thay đổi, nhưng bên cạnh đó khả năng hỗn loạn cũng tăng cao hơn.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã có hai lần gặp mặt để bàn về thỏa thuận hòa bình.

Kế thừa không thay đổi

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi quan điểm về vấn đề Triều Tiên nhiều lần trong bốn năm qua. Năm 2017, khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15, ông Trump nhấn mạnh cách tiếp cận "gây áp lực tối đa" và lên kế hoạch cho một chiến dịch tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, sau khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hai lần tại các hội nghị thượng đỉnh vào năm 2018, 2019, ông Trump thể hiện lập trường thiện chí hơn khi mở ra các cuộc đàm phán hòa bình, hướng tới phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng.

Theo National Interest, nếu Tổng thống Trump tiếp tục thắng cử, chính sách đối với Triều Tiên của ông sẽ là sự tiếp nối những gì mà công chúng thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Chính quyền Trump sẽ tiếp tục đưa ra những thứ bậc ưu tiên đối với lợi ích quốc gia của Mỹ trước nguy cơ đến từ Triều Tiên, trong đó nhấn mạnh: (1) Không có tấn công hạt nhân trên đất Mỹ; (2 và 3) không để cho Triều Tiên có khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân và không để xảy ra Chiến tranh Triều Tiên lần hai (có thể kéo Mỹ và Trung Quốc vào cuộc chiến); (4) không để vũ khí hạt nhân của Triều Tiên rơi vào tay khủng bố hoặc các quốc gia khác; (5) không cho phép tên lửa của Triều Tiên có khả năng mang vũ khí hạt nhân chống lại quân đội Mỹ và đồng minh; (6) Triều Tiên không sản xuất thêm vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Chính quyền Trump sẽ tiếp tục tập trung vào việc ngăn chặn Triều Tiên hoàn thành thử nghiệm ICBM và sử dụng các phương tiện có thể khiến nước này trở thành mối đe dọa thường trực tấn công Mỹ.

Tổng thống Trump sẽ tiếp tục làm điều đó bằng cách đe dọa tấn công các bãi phóng của Triều Tiên để ngăn chặn những vụ thử này xảy ra.

Mặc dù cách tiếp cận của Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên được đánh giá là không chính thống, nhưng ông đã phần nào chứng minh được tính hiệu quả thông qua cách tiếp cận khó lường của mình.

Bên cạnh đó, chính quyền Trump cũng sẽ tiếp tục nỗ lực thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế để thuyết phục Bình Nhưỡng bắt đầu con đường phi hạt nhân hóa.

Một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy Triều Tiên thực hiện các bước đi thích hợp là Trung Quốc. Vì yếu tố mà Trung Quốc lo ngại ở đây là việc Mỹ có thể tấn công Triều Tiên, gây ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và sau đó có thể buộc Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến tương tự như trong quá khứ.

Triều Tiên không nằm trong danh sách ưu tiên của Trung Quốc nhưng ngăn chặn các nguy cơ ở Triều Tiên chính là cách để nước này tránh bị kéo vào khủng hoảng, thậm chí là chiến tranh.

Nhưng, nếu bất chấp những nỗ lực của Trump, Triều Tiên vẫn tìm ra cách vượt qua lằn ranh đỏ để mang đến mối đe dọa tấn công các thành phố của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, đó sẽ là một tổn thất to lớn từ khía cạnh lợi ích quốc gia của Mỹ.

Sẵn sàng nhượng bộ

Mục tiêu hàng đầu của Mỹ là ngăn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nhớ lại vào thời điểm năm 2016, trong quá trình chuyển đổi quyền lực, ông Barack từng khẳng định rằng thách thức Triều Tiên sẽ quyết định vận mệnh nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Trong trường hợp tái đắc cử, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục coi trọng việc giải quyết vấn đề Triều Tiên theo cách mà ông đã thực hiện trong bốn năm qua.

Đối mặt với tổng thống mới được trao quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần như chắc chắn sẽ ít sẵn sàng mạo hiểm một hành động khiêu khích có thể đe dọa đến đất nước mình.

Trong khi đó, ông Trump cũng sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận lớn với ông Kim để đạt được mục đích với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, bao gồm việc cắt giảm từng bước quân đội Mỹ ở Hàn Quốc để thực hiện các bước tương đương hướng tới phi hạt nhân hóa.

Giới quan sát thậm chí đã nghĩ đến viễn cảnh ông Trump theo đuổi một thỏa thuận lớn đối với việc phi hạt nhân hóa, Mỹ sẽ ký một hiệp ước hòa bình chứng kiến ​​tất cả các lực lượng Mỹ rời khỏi bán đảo và sự chấm dứt của liên minh quốc phòng Mỹ-Hàn Quốc.

Tất nhiên, các chính phủ khác, và đặc biệt là Hàn Quốc, đối mặt với một nhà lãnh đạo khó đoán như ông Trump, sẽ xem xét lại các lựa chọn của riêng họ. Tổng thống Trump chắc chắn sẽ thúc ép Hàn Quốc phải trả nhiều tiền hơn cho sự bảo vệ quốc phòng trước Triều Tiên, vì vậy Seoul có thể cân nhắc lại các lựa chọn hạt nhân của riêng mình.

National Interest kết luận rằng chính sách của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên sẽ mang tính kế thừa thay vì có sự thay đổi, nhưng bên cạnh đó khả năng hỗn loạn cũng tăng cao hơn.