Sự kiện

Nếu là tân Chánh văn phòng sở Xây dựng Thanh Hóa tôi sẽ xin thôi việc!

Đó là ý kiến của ĐBQH Phạm Văn Hoà khi phân tích về việc bổ nhiệm cán bộ là lãnh đạo từng bị kỷ luật.

Dư luận đang xôn xao trước việc bổ nhiệm lãnh đạo từng bị kỷ luật đảm nhiệm, giữ một vị trí mới. Trong đó có ông Ngô Văn Tuấn- tân Chánh văn phòng sở Xây dựng Thanh Hoá và ông Tất Thành Cang- Phó ban thường trực "Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM".

Sẽ không có gì đáng bàn nếu như hai vị này không bị kỷ luật nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Và việc đề bạt, bổ nhiệm ở vị trí mới khiến cho dư luận cảm nhận rằng phải chăng đang có sự ưu ái đối với những cán bộ là lãnh đạo từng làm sai. Bên cạnh đó, dư luận cũng lo lắng rằng nhận vị trí mới liệu những vị này còn để xảy ra những sai phạm?

Từ những băn khoăn này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe phân tích từ ĐBQH Phạm Văn Hoà (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) về vấn đề trên.

Phân tích về quy trình bổ nhiệm lãnh đạo từng bị kỷ luật, ĐBQH Phạm Văn Hoà nói: “Hiện nay, có thể nói trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, Đảng và Nhà nước ta đã vào cuộc rất quyết liệt. Chỉ đạo rất kiên quyết và xử lý nghiêm đối với những cán bộ sai phạm.

Trong công tác cán bộ, đối với những cán bộ sai phạm về nhiều nội dung trong đó về lãnh đạo, quản lý, tham ô, tham nhũng hoặc lợi ích nhóm đã bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức thì không còn giữ vai trò lãnh đạo quản lý. Tuy nhiên, phải nói rằng hiện nay, trong quy định của Đảng cũng như trong quy định của luật công chức, viên chức thì sau khi cách chức, người đó vẫn là công chức hoặc viên chức, nên tuỳ theo tình hình thực tiễn của địa phương mà sẽ sắp xếp, bố trí hợp lý đối với cán bộ đó”.

Việc bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn (trái) và ông Tất Thành Cang gây xôn xao dư luận.

Nói về trường hợp của ông Tất Thành Cang, khi tháng 12/2018, Ban chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật ông bằng cách chức ủy viên TƯ khoá 12, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM, ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Nhưng, mới đây ông lại được bổ nhiệm Phó ban thường trực "Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM”. ĐBQH Phạm Văn Hoà cho hay: “Ông Tất Thành Cang là Ủy viên Trung ương, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM, đây là chức vụ rất cao, được coi là cán bộ cao cấp của thành phố, đã bị kỷ luật cách chức những chức vụ đó. Và chỉ còn vị trí là Thành ủy viên của thành phố. Tôi nghĩ rằng, Thành uỷ TP.HCM có thể bố trí, sắp xếp vị trí những công việc phù hợp với cương vị là Thành uỷ viên cho ông Tất Thành Cang (vì ông không phải bị kỷ luật cách chức cấp Thành uỷ viên).

Về công tác bố trí cán bộ theo tôi biết, Thành uỷ viên của một cấp Ủy, thành phố trực thuộc tỉnh thì thấp nhất cũng phải bố trí nếu cấp Nhà nước là cấp Trưởng ngành, còn nếu ở cấp Đảng là cấp Phó. Cho nên, tôi cho rằng công tác bố trí cán bộ đối với TP.HCM như vậy là phù hợp, hợp lý”.

ĐBQH Phạm Văn Hoà bày tỏ ý kiến của mình trong việc bổ nhiệm lãnh đạo từng bị kỷ luật.

Trước lo ngại về việc lãnh đạo từng bị kỷ luật không còn đủ uy tín, thậm chí có thể sai phạm nặng hơn, ĐBQH Phạm Văn Hoà bày tỏ: “Nếu phát hiện mức độ sai phạm đối với ông Tất Thành Cang sau này cao hơn ở mức độ hiện nay, thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật dù là phân công ở vị trí nào đi chăng nữa. Đối với công tác cán bộ hiện nay, không phải cứ sai phạm là buộc thôi việc, tùy theo mức độ sai phạm mà có hình thức xử lý thích đáng”.

Còn đối với trường hợp ông Ngô Văn Tuấn được bổ nhiệm là Chánh văn phòng sở Xây dựng Thanh Hoá. Mà trước đó, giai đoạn từ tháng 10/2010 - 11/2015, khi đó là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc sở Xây dựng Thanh Hóa, ông Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ.

Đặc biệt, ông Tuấn là người đã ưu ái, “nâng đỡ không trong sáng” hotgirl Quỳnh Anh (bà Trần Vũ Quỳnh Anh – PV), từ nhân viên tạp vụ được bổ nhiệm “thần tốc” lên Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản và đang cơ cấu nguồn vào vị trí Phó giám đốc sở Xây dựng.

Tháng 12/2017, Ban Bí thư đã đưa ra hình thức kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Ngô Văn Tuấn. Tiếp đó, ngày 18/1/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (nhiệm kỳ 2016-2021) đối với ông Tuấn.

Sau đó, ông Tuấn được UBND tỉnh Thanh Hóa phân công làm Tổ trưởng tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở và mới đây nhất là Chánh văn phòng sở Xây dựng Thanh Hoá.

ĐBQH Phạm Văn Hoà cho biết quan điểm của mình: “Việc cách chức ông Ngô Văn Tuấn thì coi như ông không còn là Tỉnh uỷ viên, như vậy là do UBND cấp tỉnh Thanh Hoá bố trí công tác. Ông Tuấn bị cách chức Tỉnh uỷ viên, cách chức Phó chủ tịch thì chỉ còn là cán bộ bình thường, không còn chức vụ gì hết, tôi nghĩ rằng bố trí cho ông Tuấn làm Tổ trưởng tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở là không phù hợp. Còn việc bổ nhiệm làm Chánh văn phòng của một cấp sở là do địa phương, sở Xây dựng quyết định theo phân công công tác cán bộ.

Nhưng, nếu tôi là ông Ngô Văn Tuấn được phân về làm Chánh văn phòng sở Xây dựng Thanh Hoá thì tôi sẽ viết đơn xin nghỉ việc.

Vì sao ư? đi về đó, làm sao làm việc được khi hồi xưa bản thân ông Tuấn là Giám đốc sở, bây giờ về làm Chánh văn phòng của sở, làm vậy là khó trong công tác cán bộ, không ai bố trí như thế. Tôi không biết sở Xây dựng Thanh Hoá họ nghĩ sao khi bố trí ông Tuấn làm Chánh văn phòng (vì ngày xưa Phó giám đốc sở là cán bộ thuộc quyền của ông Tuấn, nhưng bây giờ ông Tuấn trở về làm Chánh văn phòng thì rất khó làm việc). Tất nhiên, khi phân công ở vị trí nào thì họ sẽ làm việc ở vị trí, chức năng đó. Nhưng, tôi nghĩ đối với cán bộ ở sở Xây dựng họ sẽ nhìn vào ông Tuấn bằng một ánh mắt khác. Theo tôi nghĩ, việc bố trí cán bộ như thế này thực tế là không phù hợp”.

Ông Ngô Văn Tuấn.

“Đối với công tác cán bộ cần phải xem xét những gì mà lãnh đạo đó đã cống hiến từ trước đến nay, chứ không phải ai bị kỷ luật là xoá hết những gì mà họ đã làm trước đó. Tuỳ theo tình hình, mức độ mà chúng ta xử lý cho phù hợp, để cán bộ, Đảng viên có một sự tâm phục khẩu phục. Còn nếu làm sai mà phủ nhận tất cả thành quả thì tôi nghĩ rằng sẽ không ai dám làm việc”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến việc bổ nhiệm lãnh đạo từng bị kỷ luật, PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh (Viện trưởng viện Những vấn đề phát triển) cho biết: “Về mặt pháp luật, căn cứ khoản 2, Điều 82, luật Cán bộ, công chức quy định: Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật thì việc bổ nhiệm đúng quy trình.

Nhưng, xét theo khía cạnh đạo lý thì việc bổ nhiệm này lại là vấn đề. Vì vậy, cấp trên mà định bổ nhiệm lãnh đạo bị kỷ luật giữ vị trí mới, theo tôi không nên làm. Bởi, còn có nhiều người trong lĩnh vực ấy có thể làm được, chưa kể uy tín của người vi phạm trước đó khó có thể có được sau một thời gian ngắn bị kỷ luật. Làm được như vậy sẽ thuận lòng dân hơn”.

Nghe audio: Chuyên gia phân tích lý do không nên bổ nhiệm lãnh đạo từng bị kỷ luật